Oan cho biên kịch?
Đạo diễn cho rằng kịch bản chưa hay, biên kịch lại nói đứa con của mình bị làm cho méo mó
Được chuyển thể từ tác phẩm Màu trắng không im lặng của bác sĩ Phan Cao Toại, bộ phim Chân trời trắng vấp phải phản ứng của khán giả vì cách thể hiện không thuyết phục. Ảnh do VTV cung cấp
Phim truyền hình Việt ngày càng hiếm những bộ phim được khán giả chấp nhận vì chất lượng ngày càng tệ. “Muốn phim hay thì trước tiên phải có kịch bản hay!” – nhiều đạo diễn đã khẳng định như vậy. Nhưng có lẽ không còn im lặng được nữa, không ít người trong giới biên kịch cũng đã lên tiếng phản ứng lại: “Kịch bản là yếu tố tiên quyết để làm nên giá trị của bộ phim nhưng “cái gốc” đó đang bị lung lay, bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố hoàn toàn đi ngược lại với sáng tạo nghệ thuật”.
O ép, thiếu tôn trọng
“Khán giả đang được xem những sản phẩm kịch nói có quay ngoại cảnh chứ không thể gọi đó là phim” - chị Cẩm Thu, người có gần 10 năm làm biên kịch, nói. “Nhiều khi kịch bản viết một đằng, phim lại thể hiện một nẻo, mà thay đổi thì thường là theo hướng … tiết kiệm chi phí hoặc vì mục đích kiếm tài trợ của nhà sản xuất. Lắm lúc xem phim không còn nhận ra đứa con của mình” – một biên kịch trẻ cũng bày tỏ.
Biên kịch là người tạo ra và quyết định số phận các nhân vật nhưng chính họ lại trở thành con rối trong “vòng quản lý” của nhà sản xuất. Biên kịch N.P ngán ngẩm: “Kịch bản đưa ra lý lịch nhân vật rất kỹ lưỡng từ ngoại hình, tính cách đến tuổi tác nhưng có khi diễn viên được chọn vào vai đó thì…trớt quớt. Nhân vật trong kịch bản bị tai nạn, sức khỏe tinh thần sa sút nhưng diễn viên trên phim thì trang điểm kỹ như đang dự dạ tiệc. Con gái quê nghèo hái rau ngoài ruộng cũng môi son má phấn. Nhìn nhân vật đã thấy không thật rồi thì làm sao thuyết phục được người xem. Biên kịch khi ấy cũng lực bất tòng tâm”.
Không ít trường hợp biên kịch bị yêu cầu sửa đường dây kịch bản, số phận nhân vật và cả bối cảnh phim, hoặc vì theo ý muốn chủ quan của nhà sản xuất hoặc vì tiết kiệm kinh phí, tài trợ - bất chấp tính logic. “Sửa mà hợp lý cũng không nói làm gì. Đằng này, nhân vật ăn kiêng, thức ăn mang vào công ty chỉ toàn rau luộc vậy mà những cảnh nấu ăn ở nhà lại chiên xào tưng bừng bằng “dầu ăn tài trợ”. Ngòi bút của biên kịch bị o ép chỉ khai thác tình huống quanh quẩn trong nhà, quán cà phê đường phố cho ít tốn kém. Thèm một không gian mở cho các nhân vật cũng không được” – một cây bút trẻ khác nói.
Càng nói về những tình tiết vô lý trong phim, nhiều biên kịch trẻ lại càng nhiều bức xúc. “Kịch bản mình viết ra, nhà sản xuất đọc cũng phải thấy hay hoặc ít nhất không quá tệ thì họ mới mua, nhưng nhiều khi phim làm ra thì khác xa tưởng tượng của mình. Bị chê không lẽ lại đi thanh minh kịch bản tôi viết thế này nhưng phim thì như thế đó, mang tiếng thêm chứ được gì đâu” – biên kịch trẻ Diệu Như Trang nói.
Thân phận bèo bọt
Khi “đả động” đến nghề, phần lớn những người viết trẻ đều đầy bức xúc và trăn trở nhưng họ lại chấp nhận im lặng và âm thầm đi trong vòng quay của phim truyền hình vì “viết tiếp hoặc là đói?”. Đội ngũ biên kịch hiện nay khá đông đảo nhưng không nhiều người gầy dựng được tên tuổi bền vững cho riêng mình mà hầu hết là ký tên chung hoặc “dưới trướng” một biên kịch có tên tuổi. “Chính những người trẻ mới là đội ngũ viết năng động, đầy ý tưởng nhưng họ hoàn toàn không thể thỏa sức sáng tạo khi luôn bị gò nắn, viết theo yêu cầu của nhà sản xuất. Làm phim trong bối cảnh như vậy, không ít bạn trẻ có tư duy viết kịch bản rất dễ, một tập phim cố tình kéo dài 3-4 trang giấy là có thể nhận tiền triệu. Viết trong tâm thế đó thì trách sao nội dung phim này cứ na ná phim kia, tình tiết dài dòng, thoại lê thê, khô cứng” - một biên kịch trăn trở.
Bị xoay như chong chóng theo ý đồ của nhà sản xuất, biên kịch cũng chưa yên. Còn có những góc khuất mà chỉ những người cầm bút mới thấu hiểu cho nhau: biên kịch bị ăn cắp ý tưởng, bị ăn chặn, quỵt tiền, bị cướp công một cách trắng trợn…cũng là chuyện thường ngày.
“Âm thầm chịu đựng thì còn cơ hội làm nghề chứ nói thẳng, nói thật hay kiện tụng rồi thì mọi chuyện sẽ chẳng đâu vào đâu, chỉ có mình tự gạch tên mình ra khỏi nghề. Gặp những người làm việc có trách nhiệm và tâm huyết thì may, đứa con của mình sẽ có một hình hài tròn trịa trên màn ảnh nhỏ, còn không thì nói vui, cũng giống giao trứng cho… ác” - một biên kịch trẻ chua xót.
Kỳ tới: Đạo diễn giỏi cũng bó tay!
Bình luận (0)