Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang (100% vốn Trung Quốc) vì không cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ sắt Phong Hanh ở xã An Định, huyện Tuy An.
Lén lút hoạt động
Mặc dù đã hết hạn khai thác từ tháng 11-2011 nhưng hiện Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang vẫn tiếp tục tinh tuyển lượng quặng tập kết còn lại tại mỏ. Có mặt tại mỏ Phong Hanh vào ngày 23-5, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thành, quản công mỏ sắt, cho biết khối lượng quặng tập kết tại đây lên đến hàng ngàn tấn, chỉ vừa tinh luyện xong cách đó 4 ngày.
Mỏ sắt Phong Hanh vẫn đang hoạt động dù đã hết hạn khai thác gần 6 tháng
Trả lời câu hỏi vì sao đã hết hạn khai thác gần 6 tháng nhưng không làm thủ tục đóng cửa mỏ, ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang, cho rằng vì mỏ sắt này chưa khai thác hết, chỉ mới được gần 300.000 tấn, còn khoảng 100.000 tấn nên công ty muốn tận thu. Theo ông Khanh, Sơn Giang có xin gia hạn thời gian khai thác nhưng các ngành chức năng không đồng ý nên công ty phải tinh luyện hết số quặng đã tập kết.
Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, địa phương đã có văn bản trả lời không chấp thuận cho Sơn Giang tiếp tục hoạt động nhưng đơn vị này không chấp hành.
Tai họa khó lường
Theo báo cáo tác động môi trường của Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang, công ty sẽ trồng rừng và trả lại môi trường nguyên trạng khi hết hạn khai thác. Thế nhưng, hiện mỏ sắt Phong Hanh vẫn ngổn ngang hầm hố, đặc biệt là 3 hồ chứa bùn thải đầy ắp, chưa được vét. “Nếu có lũ lụt, các hồ chứa bùn bị bể thì thiệt hại không thể tính hết được” - bà Phạm Thị Thùy Lê lo lắng.
Kết luận thanh tra của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tuy An cho thấy trong 3 hồ chứa bùn thải nói trên, một hồ có hiện tượng nước thấm ra ngoài. Khối lượng bùn thải chứa ở hồ này rất lớn, tính từ đáy lên mặt bùn cao hơn 6 m, có nguy cơ bị vỡ. Ông Đào Minh Tiến, một cư dân địa phương, cho biết cuối tháng 3 vừa qua, dù mưa không lớn nhưng bùn loãng từ hồ đã tràn ra ngoài đổ xuống 3 cánh đồng của địa phương.
“Chúng tôi đã rất khổ sở khi gặt lúa. Cả bông lúa cũng ngập trong bùn, khi gặt về phải ngâm trong nước rồi mới phơi” - ông Tiến bức xúc. Nhiều người dân ở xã An Định cho rằng nếu mưa lớn hay lũ lụt, các hồ bùn này bị vỡ, đổ xuống thì không chỉ sông Tiên Tấn và các cánh đồng bị vùi lấp mà nhà cửa cũng chẳng còn.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Khanh cho biết không thể thực hiện quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên là phục hồi môi trường trong vòng 10 ngày. “Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị cho gia hạn thời gian đóng cửa mỏ thêm hơn 2 năm để vừa phục hồi môi trường vừa tận thu quặng sắt trong bùn thải” - ông Khanh quả quyết.
Liên tục sai phạm Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, lý do chính để huyện Tuy An và tỉnh Phú Yên không đồng ý gia hạn cho Công ty TNHH Luyện kim Sơn Giang khai thác cũng như đóng cửa mỏ sắt Phong Hanh vì đơn vị này liên tục vi phạm trong việc bảo vệ môi trường. Trong năm 2011, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với công ty này vì vận hành hệ thống xử lý môi trường không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, xả thải ra môi trường, khai thác ngoài khu vực quy định, tự ý khoan giếng sử dụng nguồn nước ngầm khi chưa được phép... |
Bình luận (0)