Trung Ương và Bờ Bao là 2 con kênh lớn nối liền nhiều xã của các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi - TPHCM, dẫn nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Thế nhưng, 2 năm nay, do nguồn nước ô nhiễm không chỉ bởi các nhà máy, KCN mà còn do những trại chăn nuôi heo thải xuống, người dân không thể dùng để tưới tiêu.
Lúa èo uột, mất hạt
Dọc theo kênh Trung Ương dẫn đến khu nuôi heo thuộc ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, cứ chiều đến, từng cột khói đen nghi ngút tỏa mùi nồng nặc do các chủ trại dùng vải vụn nấu thức ăn cho heo.
Men theo con đường nhỏ dẫn từ kênh Trung Ương đến kênh Bờ Bao, chúng tôi thấy có rất nhiều hộ nuôi heo. Nước thải, phân heo đổ trực tiếp ra những cái ao tự đào gần đó, rồi được chủ trại lén làm đường ống dẫn thẳng ra con kênh nhỏ nối 2 đầu kênh Trung Ương và kênh Bờ Bao. Do đó, nguồn nước tại khu vực này luôn đen kịt và có mùi hôi khó chịu.
Nhiều chủ trại heo đào hầm chứa nước thải rồi nối ống ngầm đổ thẳng ra kênh gần đó
Không chỉ trên địa bàn huyện Hóc Môn, trại heo dọc kênh Trung Ương thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh với quy mô lớn cũng xả nước thải trực tiếp xuống con kênh này khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Bà Nguyễn Thị Hường, có ruộng lúa gần khu nuôi heo này, ngán ngẩm: “Nước đã bị phèn, chúng tôi phải cố gắng chăm sóc lúa rất cực nhưng bị ảnh hưởng từ nước thải của các hộ chăn nuôi heo nên cứ èo uột, mất hạt. Hai năm trở lại đây, lúa giảm năng suất hẳn so với những năm trước”. Nhiều hộ dân khác ở xung quanh cũng chịu tình cảnh như bà Hường.
Hết tháng 6 sẽ di dời?
Xuân Thới Thượng đã được chọn làm mô hình thí điểm xã nông thôn mới và đến tháng 6-2012 sẽ hết thời gian thí điểm nên việc di dời các trại heo để bảo đảm tiêu chí về môi trường cũng là nỗi lo của chính quyền địa phương. Thế nhưng, vì sao đã hơn 2 năm nay, các trại heo này vẫn chưa di dời?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết địa phương gặp khó khăn trong việc di dời các trại heo. Trước đó, năm 2009, huyện Hóc Môn có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại nhiều xã. Lúc này, nguồn nước ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng bị nhiễm phèn, khu này lại thuộc quy hoạch cụm công nghiệp 55 ha, người dân không thể đầu tư trồng trọt nên đã cho các hộ thuê đất nuôi heo. UBND xã cũng tạo điều kiện để người dân giải quyết khó khăn về kinh tế khi đất bị quy hoạch.
Trong thời gian chăn nuôi, nhiều chủ trại heo không làm hầm biogas theo quy định, gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng ấp 1 đã có 48 hộ nuôi hơn 5.200 con heo. Theo ông Bằng, UBND huyện đã chỉ đạo đến hết tháng 6-2012 buộc phải di dời hết các trại heo này. “Đa số hộ nuôi heo là dân nhập cư; việc đầu tư giống, chuồng trại cũng tốn không ít tiền nên thời điểm buộc di dời cũng được cân nhắc. UBND xã đã nhắc nhở, mời những hộ dân có đất lên vận động không cho các trại chăn nuôi thuê nữa. Nếu việc di dời không hiệu quả, buộc lòng chúng tôi phải cắt điện, cắt nguồn cung cấp thức ăn cho heo ở các trại này” - ông Bằng cho biết.
Mong không di dời Bà Lê Thị Phúc, một hộ mua đất tại xã Xuân Thới Thượng để chăn nuôi heo, lo lắng: “Gia đình tôi vay hơn 10 triệu đồng xây 2 hầm biogas 60 m3 để bảo đảm vệ sinh môi trường, hầm được làm âm dưới chuồng heo. Hơn nữa, chúng tôi không nấu thức ăn cho heo bằng vải vụn mà bằng củi. Nếu buộc phải di dời, gia đình tôi không biết sống bằng nghề gì để nuôi con cái ăn học? Chúng tôi mong muốn không bị di dời vì trại heo không gây ô nhiễm môi trường”. Một số hộ chăn nuôi xung quanh xây chuồng trại sạch sẽ, không gây ô nhiễm cũng có nguyện vọng không bị di dời. |
Bình luận (0)