Sáng 25-5, Quốc hội đã họp tại hội trường để thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH).
Một trong những nội dung của dự thảo luật được nhiều đại biểu (ĐB) đóng góp ý kiến là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục ĐH. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) ủng hộ giao tự chủ cho các trường nhưng cần có lộ trình, đồng thời phải tiến hành thu quyền tự chủ nếu các trường vi phạm. Nhiều ĐB cũng cho rằng số lượng trường ĐH, CĐ gia tăng nhanh như hiện nay đã dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa quy mô và chất lượng đào tạo nên cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Về vấn đề phân tầng ĐH, nhiều ĐB đánh giá là cần thiết nhưng cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các tiêu chí phân tầng, cũng như có các tiêu chí để xếp hạng các trường ĐH.
Thảo luận về nội dung xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận để có những chính sách phù hợp với từng loại hình. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ e ngại trước việc xã hội hóa giáo dục đang bị thương mại hóa. Theo bà, việc chấp nhận chia lợi tức cho các cổ đông dễ khiến cơ sở giáo dục ĐH chạy theo lợi nhuận làm giảm chất lượng của giáo dục ĐH ngoài công lập.
Liên quan đến vấn đề học phí, có ĐB đề nghị trường công lập cũng được tự quy định mức thu học phí. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng cơ sở giáo dục ĐH công lập thuộc sở hữu Nhà nước, được Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo. Do đó, việc khống chế mức thu học phí của cơ sở giáo dục ĐH công lập là cần thiết và hợp lý nhằm bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, giúp cho người học trong các gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH ở trình độ cao.
Trước hiện trạng khó khăn về chỗ ở, tác động lớn đến chất lượng học tập của sinh viên, thượng tọa Thích Thanh Quế (Quảng Ninh) đề nghị luật cần bắt buộc các trường ĐH mới thành lập phải có ký túc xá, các trường đang hoạt động phải có lộ trình bảo đảm chỗ ở cho sinh viên. Ý kiến này đã được nhiều ĐB đồng tình.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (Quảng Trị) cho rằng vấn đề phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH hiện đã triển khai ở mức độ nhất định. Về xếp hạng ĐH, ở các nước là do tổ chức kiểm định, hiệp hội, báo chí thực hiện và công bố, coi đó là uy tín của các trường nhưng ở Việt Nam vẫn là vấn đề mới. “Luật không nên quy định cụ thể về chuyên môn đối với 2 vấn đề phân tầng, xếp hạng mà chỉ nên quy định chung để dễ điều chỉnh khi thực hiện” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiến nghị.
Bình luận (0)