Một cây cầu vượt vĩnh cửu sẽ được xây dựng để giải tỏa ùn tắc giao thông thường xuyên tại ngã tư Thủ Đức. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước tình hình ùn tắc giao thông “kinh niên” tại ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở GTVT phải hoàn thành cầu vượt bằng thép tại ngã tư Hàng Xanh trước ngày 20-11-2012, còn cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức có thể sẽ được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Cầu vượt nhanh hơn hầm chui
Trước thử nghiệm khá thành công của TP Hà Nội trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông bằng cầu vượt nhẹ, UBND TPHCM yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu giải pháp này để gỡ rối cho giao thông tại các điểm “nóng” như ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh, vòng xoay Cây Gõ, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa. Sau thời gian xem xét, mới đây, Sở GTVT đã trình UBND TPHCM 3 phương án xây cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức.
Theo đó, phương án 1, Sở GTVT xây cầu vượt theo hướng đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt, rộng 9 m, có 2 làn ô tô và 2 làn xe hai bánh. Tuy nhiên, phương án này chỉ giải quyết được 16% lưu lượng giao thông qua ngã tư Thủ Đức. Trong tương lai, khi nút giao thông ngã tư Thủ Đức hoàn chỉnh thì cầu vượt này sẽ được tháo dỡ.
Phương án 2, Sở GTVT đề xuất xây cầu vượt vĩnh cửu theo hướng xa lộ Hà Nội, trong đó giai đoạn 1 chỉ xây cầu rộng 16 m cho 4 làn ô tô lưu thông. Theo đánh giá của Sở GTVT, phương án này sẽ giải quyết được 75% lưu lượng giao thông qua ngã tư Thủ Đức.
Thuận lợi của phương án trên là công trình có thể triển khai thi công ngay và hoàn thành sau một thời gian ngắn. Trong tương lai, khi lưu lượng giao thông tăng cao, Sở GTVT nhận định có thể đầu tư tiếp một cầu vượt gồm 4 làn xe bên cạnh, đủ sức “tải” hết lượng xe trên xa lộ Hà Nội. Tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn khoảng 550 tỉ đồng.
Phương án cuối cùng là xây dựng hầm chui 8 làn xe dọc xa lộ Hà Nội. Bất lợi của phương án này là tổng mức đầu tư khá cao, lên đến 720 tỉ đồng nhưng lại không phân kỳ đầu tư được, thời gian thi công 37 tháng và còn phải chờ giải phóng mặt bằng mới có thể khởi công xây dựng.
Với những phân tích trên và cân nhắc tính hiệu quả của từng phương án, Sở GTVT đề xuất xây cầu vượt vĩnh cửu theo hướng xa lộ Hà Nội với tải trọng dành cho mọi loại xe và đã được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đồng ý về chủ trương. Dự kiến, Sở GTVT sẽ khởi công dự án này vào giữa tháng 6-2012 và hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Lên cao tránh kẹt xe
Theo tiến độ Sở GTVT đưa ra, trước khi cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức hoàn thành thì cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh đã được đưa vào sử dụng (ngày 20-11). Dự kiến, cầu vượt tại nút giao thông này cũng được khởi công vào giữa tháng 6-2012 với chiều rộng 16m gồm 4 làn xe theo hướng đường Điện Biên Phủ, chủ yếu dành cho các loại xe buýt, ô tô và xe hai bánh, tổng mức đầu tư dự kiến là 161 tỉ đồng.
Ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, cho biết trước đây, một số doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu và đưa ra vài phương án xây dựng nút giao vĩnh cửu tại ngã tư Hàng Xanh. Tuy nhiên, nhược điểm của các phương án này là phải giải tỏa mặt bằng nên nhà đầu tư… ngán!
Theo ông Điệp, cầu vượt nhẹ có thể đáp ứng được lưu lượng giao thông khu vực trong khoảng 10 năm. Khi các dự án đường trên cao, metro tại khu vực này khởi động và lưu lượng giao thông tăng cao, có thể sẽ phải nghiên cứu một nút giao thông hoàn chỉnh cho khu vực ngã tư Hàng Xanh.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã nghiên cứu phương án xây dựng cầu vượt bằng thép cho vòng xoay Cây Gõ, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn – Cộng Hòa.
Theo đánh giá của sở này, đây đều là những nút giao có lưu lượng giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nên rất cần xây dựng cầu vượt nhẹ. Đối với vòng xoay Cây Gõ, Sở GTVT sẽ xây 2 cây cầu trên đường Hồng Bàng với quy mô chiều dài cầu 300 m, rộng 7 m.
Cả 2 cây cầu này dành cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt. Tổng mức đầu tư dự kiến 190 tỉ đồng. Sở GTVT dự kiến khởi công dự án này vào tháng 7-2012 và hoàn thành vào ngày 31-12.
Đối với vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa, Sở GTVT sẽ xây dựng một cây cầu lưu thông một chiều theo hướng từ đường Cộng Hòa về Hoàng Văn Thụ với chiều dài 250 m, rộng 7 m, dành cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông. Tổng mức đầu tư khoảng 90 tỉ đồng. Sở GTVT cũng dự kiến khởi công dự án này vào tháng 7-2012 và hoàn thành vào ngày 31-12, cùng lúc với cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ.
Phương án nào có lợi nhất?
Một số chuyên gia giao thông vẫn cho rằng phương án xây dựng hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội và cầu vượt theo hướng đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt sẽ hoàn chỉnh hơn phương án xây cầu vượt theo hướng xa lộ Hà Nội tại ngã tư Thủ Đức. Theo đó, việc xây dựng hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội và việc xây dựng cầu vượt cho hướng đường Võ Văn Ngân – Lê Văn Việt sẽ giải quyết triệt để ùn tắc giao thông khu vực, tiết kiệm và thuận lợi hơn, đồng thời tuổi thọ công trình và mỹ quan khu vực cũng cao hơn. |
Bình luận (0)