Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ tăng 0,18%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI tăng không quá 0,2%/tháng và là tháng có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2004 đến nay.
Lạm phát trở về một con số
Tính chung từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng tổng cộng 2,78%, còn rất xa so với mục tiêu lạm phát dưới 2 con số (khoảng 9%) như chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đóng góp lớn nhất làm CPI giảm tốc là xu hướng giảm giá đáng kể của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục được duy trì.
Nếu như vào cuối năm ngoái, giới phân tích còn hoài nghi về mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số vào năm 2012 do mức chênh quá lớn với đỉnh lạm phát 18,3% của năm 2010 thì đến nay, lạm phát đã giảm sâu. Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước cũng đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam đến cuối năm nay xuống mức dưới 10% trong khi tăng trưởng kinh tế khoảng 5,7%.
Trong tháng 5-2012, giá nhiều loại thực phẩm tiếp tục giảm. Ảnh: Hồng Thúy
Ngân hàng HSBC phân tích đây là lần đầu tiên lạm phát của Việt Nam so với cùng kỳ đã trở về mức một con số sau gần 2 năm cố gắng kiềm chế chỉ số giá. Cụ thể, lạm phát toàn phần trong tháng 5 đã giảm từ mức gần 11% của tháng 4 xuống 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần gần đây nhất, Việt Nam đạt mức lạm phát một con số là từ cách đây gần 2 năm.
Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế Hà Nội, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm “kỳ lạ” vào năm 2012 với kịch bản thấp là 4,6%, kịch bản cao là 6,2%, trong khi tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4,4% - 5,1%.
Cân nhắc chính sách
Các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát thấp đang là cơ hội cân nhắc chính sách. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, với chỉ số lạm phát như hiện nay, cần giảm sâu lãi suất hơn nữa, có thể kéo lãi suất huy động xuống dưới 10%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có thông điệp sẵn sàng cho vay với lãi suất 10% để các NH thương mại không phải chạy đua vượt rào lãi suất, chấm dứt cạnh tranh vốn trên thị trường. Việc giảm sâu lãi suất hơn nữa cần thực hiện sớm để khắc phục hậu quả “uống thuốc quá liều” của Nghị quyết 11 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) đang lâm vào cảnh đình trệ, phá sản.
Một chuyên gia kinh tế bình luận cùng với việc giảm lãi suất, quan trọng là giám sát thực hiện trần lãi suất cho vay ra sao vì trong tình thế ngân hàng vẫn độc quyền về vốn thì cơ chế cho vay thỏa thuận vẫn lấn át mệnh lệnh hành chính. Số liệu cung cấp tại cuộc họp giao ban tháng 5 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy lãi suất huy động là 12%/năm (trước ngày giảm lãi suất xuống 11%) nhưng DN vẫn phải vay 17% -18%/năm, cả người gửi tiền và người vay tiền đều thiệt. Dù NHNN đã có nhiều đợt cắt giảm lãi suất đầu vào từ đầu năm đến nay nhưng trên thị trường, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm mạnh, chứng tỏ có sự đứt gãy vốn từ NH thương mại ra nền kinh tế...
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, biện pháp quan trọng nhất lúc này là kích cầu. Trong tháng 5, hàng tồn kho tiếp tục tăng, chứng tỏ DN chưa thể tự cứu mình.
Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng nhận định: Đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho là giải pháp rất quan trọng hiện nay. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bên cạnh giải pháp đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công Thương đang chủ trì dự án mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Theo mô hình này, các DN sẽ ứng trước vốn, giống và nông cụ cho bà con nông dân tăng gia sản xuất rồi đứng ra thu mua nông sản. Như vậy, đầu ra của nông sản sẽ thuận lợi hơn.
Để tháo gỡ cho DN bán lẻ, Bộ Công Thương cũng kiến nghị giảm thuế GTGT cho các loại hàng hóa tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN giảm giá hàng hóa.
Doanh số bán hàng giảm 20%-30% Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết doanh số bán hàng của các siêu thị tiếp tục giảm khoảng 20%-30% so với tháng trước và giảm mạnh nhất là các siêu thị nhỏ, dù các siêu thị đều tung ra nhiều khuyến mãi để kích cầu. Nguyên nhân suy giảm sức mua, theo TS Nguyễn Minh Phong, do người dân không còn dễ dãi chấp nhận mua sắm khi giá cao. |
Bình luận (0)