Mỗi năm, Việt Nam có đến hàng trăm cuộc thi liên quan đến nhan sắc. Trong đó, các cuộc thi tìm kiếm những gương mặt cho làng thời trang chiếm một phần không nhỏ. Có 3 cuộc thi lớn dành cho người mẫu đang diễn ra hằng năm: Siêu mẫu Việt Nam, Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model và Thần tượng thời trang - F.idol.
Hiện tại, có 2 cuộc thi dành cho thí sinh “chân dài” đang và sắp diễn ra là Siêu mẫu Việt Nam 2012 và Vietnam’s Next Top Model mùa giải thứ ba. Đây là những cuộc thi thu hút rất đông thí sinh, cả những người mẫu chuyên nghiệp và những cô gái, chàng trai mới bước chân vào nghề, dự thi nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Tìm danh hiệu bằng mọi giá
Điều nghịch lý là nghề người mẫu có thu nhập không đủ trang trải cuộc sống ở mức sinh hoạt bình thường như đã nói nhưng các cuộc thi người mẫu diễn ra lâu nay luôn có số lượng thí sinh dự thi lên đến hàng ngàn người. Các “chân dài” tìm kiếm gì ở những cuộc thi sắc vóc này cho con đường phát triển nghề nghiệp của mình?
Thí sinh trình diễn trang phục dạ hội trong cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2011. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Họ đang tìm cơ hội để thăng hạng. Một người mẫu bình thường sẽ chẳng có cơ hội bước lên sàn diễn thời trang vốn đã ít sô diễn lại quá đông người muốn chen chân. Ngược lại, khi đã tìm cho mình được một danh hiệu trong những cuộc thi sắc vóc có tiếng thì cuộc đời họ sẽ có cơ hội sang trang, được diễn thời trang nhiều hơn, được chụp ảnh lên các bìa tạp chí, được làm người mẫu quảng cáo và có thể được mời đóng phim. Tất nhiên khi có danh tiếng, giá “kiều nữ” cũng tăng lên hàng chục, hàng trăm lần nếu các đại gia muốn cặp bồ.
Không ít những người đẹp giành được các ngôi vị cao tại các cuộc thi sắc đẹp chính thống trong và ngoài nước đều do các đại gia bỏ tiền lo. Tất nhiên, không đại gia nào bỏ tiền ra đầu tư cho người đẹp mà không được hưởng lợi gì.
Không tìm được danh hiệu ở các cuộc thi chính thống, các người đẹp sẽ tìm kiếm một cơ hội khác ở các cuộc thi sắc đẹp dạng cấp “phường, xã” nào đó ở nước ngoài, thông qua bảo trợ của các đại gia. Thậm chí, có những danh hiệu chẳng ai chịu thừa nhận như danh hiệu “Hoa hậu người Việt quốc tế” do một công ty nào đó của người Việt tại Mỹ tổ chức diễn ra trong một chương trình “đại nhạc hội” mà Ngọc Trinh kiếm được.
Từ người mẫu thành nghệ sĩ
Không thể phủ nhận một vài cuộc thi đã đạt được mục đích tìm kiếm ra những gương mặt triển vọng cho sàn diễn thời trang Việt Nam. Trong đó, những cái tên nổi bật của thời trang Việt hiện nay được tạo đà từ cuộc thi này như Xuân Lan, Bình Minh, BB Phạm, Vũ Thu Phương, Trương Tri Trúc Diễm, Tiến Đoàn, Hoàng Yến, Hoàng Khánh Ngọc, Đức Vĩnh... Mới mẻ hơn, Vietnam’s Next Top Model bước qua mùa giải thứ ba cũng giới thiệu được một số gương mặt nổi bật: Huyền Trang, Tuyết Lan, Hoàng Thùy,… Với sự quảng bá khá hiệu quả từ công ty quản lý, những “chân dài” mới này cũng ít nhiều có thành tích mang tầm quốc tế với việc tham dự các cuộc thi Người mẫu xuất sắc nhất thế giới 2011 tại Bulgaria mang về danh hiệu Người mẫu xuất sắc nhất châu Á, cuộc thi Tìm kiếm người mẫu tiềm năng của châu Á,…
Thế nhưng, không phải ai cũng được thừa nhận trên sàn catwalk (diễn thời trang) khi đã sở hữu một danh hiệu từ các cuộc thi chính thống. Minh chứng rõ nét là trường hợp của một số người mẫu đoạt giải cao trong cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam hằng năm. Đoạt giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2009 nhưng mấy khi công chúng thấy sự xuất hiện của siêu mẫu Ngọc Bích.
Thỉnh thoảng cô có xuất hiện tại các sự kiện nhưng không phải để trình diễn. Cũng gương mặt giải vàng năm đó, ở hạng mục người mẫu nam là Hoàng Long nhưng lâu lâu mới thấy anh trình diễn. Hay như Đỗ Bá Đạt, người giành giải phụ Siêu mẫu Tài năng tại Siêu mẫu Việt Nam 2010, giải nhì tại Mister Việt Nam 2010 nhưng hầu như mất tăm...
Thực ra, danh hiệu có được tại các cuộc thi sắc đẹp là bàn đạp, bệ phóng cho các người mẫu bước vào các lĩnh vực nghệ thuật ngắn nhất. Nếu có chút năng khiếu diễn xuất thì cơ hội trở thành diễn viên chỉ sau vài vai diễn. Thực tế cho thấy rất nhiều người mẫu được mời đóng phim, nhất là những người có danh phận và trở thành diễn viên lúc nào không hay.
Anh Thư trở thành diễn viên ngay sau phim Gái nhảy, Tăng Thanh Hà sau phim Bỗng dưng muốn khóc, Lý Nhã Kỳ sau phim Kiều nữ và đại gia, Thanh Hằng, Vũ Thu Phương, Trương Tri Trúc Diễm, Bình Minh, Huy Khánh, Lương Thế Thành,... Hồng Hà cũng được gắn mác diễn viên điện ảnh vì đã tham gia rất nhiều phim truyền hình. Có những người thật sự trở thành diễn viên, được công chúng và giới chuyên môn công nhận và bản thân họ cũng nỗ lực cho nghề diễn nhưng có những người chỉ gắn mác diễn viên như một hình thức nâng giá trị tên tuổi trong những thương vụ khác.
Làm người mẫu quá dễ
Với đặc điểm nghề không mấy liên quan đến tài năng, sân chơi “chân dài” không sợ thiếu người. Minh chứng ở các cuộc thi tìm kiếm người mẫu luôn nhận được lượng hồ sơ tham dự vào hàng “khủng”, trên 1.000 thí sinh tham dự. Đó là chưa kể những cuộc thi chỉ nhắm đến một mục tiêu chọn ra gương mặt phù hợp làm vai trò đại diện cho một sản phẩm, thương hiệu nào đó như cuộc thi F.idol (một cuộc thi tìm kiếm người mẫu diễn ra trên mạng).
Muốn trở thành người mẫu nhanh chóng, các cô gái có vóc dáng đạt chuẩn chưa được tuyển lựa qua các cuộc thi thì chọn cách đầu quân cho các công ty đào tạo người mẫu. Suy cho cùng, làm người mẫu cũng chẳng khó gì, không cần bằng cấp, giấy phép hành nghề và không bị ai kiểm tra trình độ, chỉ cần có gương mặt sáng, vóc dáng cao, chân dài đạt chuẩn là ổn. Vì vậy, người mẫu xuất hiện nhan nhản mọi lúc, mọi nơi. Tìm là thấy, kiếm là có. Trong hằng hà sa số “chân dài” như hiện có, khát vọng tìm kiếm danh phận cao hơn để lột xác của không ít người mẫu luôn cháy bỏng và một số người đã tìm cách thực hiện cho bằng được với bất kỳ giá nào. |
Bình luận (0)