Hầu hết số cá ngừ câu đèn đều có trứng
Sản lượng cao, chất lượng thấp
Để câu mực, ngư dân chong cả giàn đèn cao áp 16-20 bóng trên tàu, mỗi bóng công suất 2.000 - 3.000 W, chĩa xuống biển để dụ chúng đến. Mực chính là thức ăn ưa thích của cá ngừ đại dương nên cá cũng theo đèn kéo lên mặt nước, ngư dân chỉ cần câu bắt. Nay dùng giàn đèn này chuyển sang câu cá ngừ đại dương, ngư dân đạt sản lượng cao hơn gấp 2 lần so với cách truyền thống (gọi là câu vàng).
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, đây là cách câu mà ngư dân 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa bắt chước ngư dân Trung Quốc. “Ngư dân Trung Quốc thường khai thác trên những con tàu lớn, họ ngồi trong phòng lạnh để câu, trong khi ngư dân ta lại cởi trần, vã mồ hôi để câu cá dưới ánh đèn cao áp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe” - ông Vinh so sánh.
Ông Huỳnh Văn Kích, ngư dân xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn - Bình Định, chủ tàu BĐ-50875-TS, làm nghề câu mực hơn 10 năm nay cũng chuyển sang câu cá ngừ đại dương. Theo ông Kích, xã Hoài Hương hiện có gần 100 tàu đã chuyển nghề như ông. Sau 2 chuyến biển, ông Kích đạt 50-55 con (khoảng 3 tấn) cá/chuyến. “Tuy nhiên, không hiểu sao doanh nghiệp thu mua cá của chúng tôi lại mua với giá thấp gần một nửa so với cá câu vàng. Giá cá câu vàng trung bình 180.000 đồng/kg thì giá cá câu đèn chỉ 103.000 đồng/kg, nên dù chúng tôi đạt sản lượng nhưng hiệu quả lại không cao” - ông Kích băn khoăn.
Ông Hoàng Gia, cán bộ phụ trách thu mua của DNTN Thanh Sơn - Phú Yên, cho rằng chất lượng cá ngừ câu đèn rất thấp. Theo ông Gia, cá cắn câu trong vùng nước nóng do bị chiếu đèn cao áp nên thân nhiệt tăng cao, dù khi đưa lên tàu cấp đông kịp thời thì quá trình phân hủy thịt cá cũng diễn ra nhanh. Khi vào đến bờ, phần lớn cá đã bắt đầu phân hủy, trứng bể từng mảng. “Hầu hết cá câu đèn đều không đạt chất lượng để xuất khẩu nguyên con nên chúng tôi phải mua với giá thấp” - ông Sơn giải thích.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết tại Khánh Hòa chỉ 10% cá câu đèn đạt chất lượng. “Tôi cho rằng đó là sự lãng phí tài nguyên ghê gớm nếu đánh bắt theo phương pháp này” - ông Lăng nhận định.
Hủy diệt lớn
Ngư dân Huỳnh Văn Kích cho biết tất cả số cá mà tàu ông khai thác được tại vùng biển cách bờ Phú Yên 85 hải lý đều có trứng. Theo ông Võ Thiên Lăng, cá ngừ đại dương là loài di cư. Vào các tháng 5, 6, chúng thường đến các vùng nước ấm, cạn để sinh sản. Trong khi người câu vàng chọn vùng biển Trường Sa của Việt Nam để câu cá ngừ thì ngư dân câu đèn thường chỉ đánh bắt cách bờ 80-100 hải lý. “Đây là vùng biển cá thường vào để sinh sản. Nếu câu phải những con cá mang trứng sẽ là một sự hủy diệt lớn” - ông Lăng lo ngại.
Theo ông Hoàng Gia, số cá ngừ đại dương mà doanh nghiệp của ông mua từ các tàu câu đèn phải phi lê, đông lạnh rồi xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - Phú Yên, quan ngại: “Chất lượng không bảo đảm mà vẫn xuất bán sẽ dần dà giết chết thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Hàng vạn hộ dân miền Trung đang sống bằng nghề câu cá ngừ. Một khi thương hiệu cá ngừ không còn thì nghề này cũng như bỏ. Đây chính là sự hủy diệt lớn nhất của nghề câu đèn”.
Trữ lượng có hạn Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, trữ lượng cá ngừ đại dương hằng năm ở ngoài khơi nước ta khoảng 50.000 tấn, chủ yếu tập trung ở vùng biển miền Trung. Trong đó, khả năng khai thác bền vững chỉ khoảng 17.000 tấn. Nghề khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu tập trung ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ngư dân 3 tỉnh này khai thác được khoảng 10.000 tấn, riêng Phú Yên hơn 5.000 tấn. |
Bình luận (0)