Ngày 6-4, chúng tôi đến thăm nhà cụ bà Bùi Thị Vinh, 91 tuổi, người muốn được đăng ký kết hôn với cụ ông cùng tuổi trong xã để cùng nhau an hưởng tuổi già. Cụ Vinh vui vẻ cho biết hai cụ đã chuyển tới sống chung với nhau hơn 1 tháng nay, con cái hai bên cũng ưng thuận.
“Lúc đầu tụi tui muốn đăng ký kết hôn, muốn nhà thờ làm lễ rồi mới về chung sống nhưng sau thấy con cái không chịu, nhất là chuyện đăng ký kết hôn nên thôi, ở với bả là được rồi” - cụ ông Hà Văn Tới vui vẻ tiếp lời cụ bà.
Khi được hỏi vì sao hồi trước lại đặt nặng chuyện đăng ký kết hôn với chính quyền, và được nhà thờ làm lễ, cụ ông giải thích rằng hai cụ không muốn bị dị nghị. “Không lẽ tự nhiên chuyển tới ở với nhau, rồi bà con hàng xóm người ta coi mình ra gì nữa! Nhưng bây giờ cả hai chuyện đó chẳng còn quan trọng, miễn là tụi nó (con cái hai bên - PV) chịu hai ông bà ở chung là được rồi. Bà con hàng xóm bây giờ hiểu chuyện tụi tui, họ cũng “chịu” lắm!” – cụ Tới khoe.
Kể về chuyện của mình, hai cụ cho biết thêm: Trước đây cả hai đều không biết việc lấy nhau có phù hợp hay không, nhưng khi báo chí thông tin rộng rãi, hai cụ mới hiểu rằng việc hai người đến với nhau không chỉ là quyền được pháp luật bảo vệ mà còn là điều được xã hội khuyến khích. Dĩ nhiên tụi tui vẫn muốn được làm giấy (giấy đăng ký kết hôn) và làm phép tại nhà thờ hơn.
Cách đây chừng hai tháng, câu chuyện của cụ ông Hà Văn Tới và cụ bà Bùi Thị Vinh từng làm xôn xao dư luận tại Chợ Lách, Bến Tre. Hai cụ 91 tuổi này mong muốn được sống chung đến “đầu bạc răng long” bằng việc tiến hành những thủ tục hôn nhân chính thức như đăng kí kết hôn tại UBND xã, làm lễ tại nhà thờ xã Phú Phụng. Nhưng những mong muốn này không thành do gặp phải sự phản đối kịch liệt từ con cháu hai bên.
Bình luận (0)