Ông Gatilov nhắc lại quan điểm của Nga rằng Moscow sẵn sàng chấp nhận tình huống TT Assad ra đi nếu như đó là kết quả của cuộc đối thoại chính trị không có sự can thiệp của nước ngoài. Chính TT Nga Vladimir Putin cũng đã lặp lại tuyên bố trên hôm 1-6. Hãng tin Itar-Tass trích dẫn phát biểu của ông Gatilov: “Chúng tôi không bao giờ nói hoặc đặt điều kiện rằng TT Assad nhất thiết phải ở lại nắm quyền. Vấn đề này phải được chính người dân Syria quyết định”.
Moscow đã từng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và một số phương cách khác để bảo vệ TT Assad. Do đó, nước Nga đang chịu sức ép phải từ bỏ sự ủng hộ dành cho chế độ ở Syria hoặc ít nhất là thúc ép ông Assad tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn của LHQ và kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Kofi Annan. Theo hãng tin Reuters, TT Assad là nhân vật đã giúp Nga có một chỗ đứng vững chắc ở Trung Đông và là khách hàng mua vũ khí của Nga.
Mỹ đã kêu gọi Nga ủng hộ xây dựng một thời kỳ quá độ ôn hòa ở Syria. Thế nhưng, ông Gatilov nhận định: “Kịch bản đó tốt đẹp nếu đó là nguyện vọng chính trị của cả hai bên. Thế nhưng ở Syria, chúng tôi không thấy phe đối lập có nguyện vọng như vậy”.
Trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, TT Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng thúc giục quốc tế ủng hộ kế hoạch của ông Kofi Annan ở Syria bất chấp các nước phương Tây và Ả Rập kêu gọi có một phản ứng cứng rắn hơn đối với xung đột đẫm máu ở nước này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, hoàng tử Saud al-Faisal, thừa nhận các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh bắt đầu mất hy vọng vào kế hoạch hòa bình.
Trong khi đó, nhà chức trách Syria ngày 5-6 đã cấm 17 nhà ngoại giao Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu hoạt động ở nước này để trả đũa việc đại sứ Syria đã bị các nước này trục xuất hồi tuần trước sau vụ thảm sát hơn 100 người ở Houla. Hãng tin Reuters cho biết hầu hết các nhà ngoại giao trên là đại sứ và hầu như tất cả đã rời khỏi Syria.
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố nước này vẫn sẵn lòng tái lập quan hệ trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Thứ trưởng Ngoại giao Faisal Makdad nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu để các nước này sửa đổi chính sách của họ và đã dành cho kế hoạch của ông Kofi Annan cũng như sứ mệnh của các quan sát viên LHQ sự ủng hộ cần thiết. Thế nhưng, chúng tôi lấy làm tiếc phải áp dụng biện pháp này bởi vì các nước đó không muốn sứ mệnh của LHQ thành công”.
1 triệu người cần trợ giúp Syria đã đồng ý cho phép LHQ và các cơ quan quốc tế mở rộng hoạt động nhân đạo ở nước này, nơi 1 triệu người đang cần sự trợ giúp khẩn cấp sau 15 tháng xung đột. LHQ sẽ mở văn phòng ở 4 tỉnh Deraa, Deir al-Zor, Homs và Idlib.
Theo Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Syria, ít nhất 500.000 người Syria đã phải dời chỗ ở trong nước và nhiều người đã mất nhà cửa. Ngoài ra, hơn 78.000 người Syria đã bỏ chạy sang Iraq, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. |
Bình luận (0)