Chiều 6-6, UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cùng các cơ quan liên quan để làm rõ vụ tiêu cực xảy ra tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam - Bắc Giang). Cuộc họp có sự tham dự của ông Thân Văn Khoa, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Chưa quyết định ngừng chấm bài thi hay không
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết trong ngày 6-6, theo lịch, bài thi tốt nghiệp của các thí sinh ở tỉnh này đã được rọc phách để bắt đầu chấm điểm, trong đó có Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Theo bà Hợp, đây là kế hoạch chung được thống nhất từ trước, còn vụ tiêu cực đang được điều tra nên chưa thể quyết định ngừng chấm thi hay không. Việc điều tra tiêu cực đã được giao cho Thanh tra Sở GD-ĐT. Quan điểm của Sở GD-ĐT Bắc Giang là sai đến đâu, xử lý nghiêm đến đó.
Trước câu hỏi: Có hay không việc thí sinh phải đóng khoản tiền “chống trượt”, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, khẳng định: “Khi đi kiểm tra, tôi cũng hỏi trường có thu thêm phí nào không, thầy Đào Văn Mộc, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, cho biết một số phụ huynh có đề nghị thu thêm song thầy không đồng tình. Các điểm thi khác tại Lục Nam cũng như vậy”. Ông Toàn cũng cho biết huyện sẽ phối hợp chặt với lực lượng chức năng để điều tra, làm rõ vụ này.
Công an làm việc với thí sinh quay video clip
Thiếu tá Vũ Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, cho biết sáng 6-6, công an huyện mời học sinh tên S. đến làm việc. Nhiều người thân của học sinh này cũng theo đến cơ quan công an. Tại cơ quan công an, học sinh này đã nhận thức việc mình sử dụng bút camera để quay là sai quy chế và chịu kỷ luật. Theo thông tin ban đầu, gia đình học sinh này có 3 chị em, mẹ mất sớm, bố làm nghề thợ xây. Hiện tại, S. xác nhận chỉ một mình em quay clip.
Về việc tại sao lực lượng công an bảo vệ hội đồng thi không phát hiện cán bộ trong trường đưa bài vào phòng thi, thiếu tá Hùng giải thích theo quy chế thi, lực lượng công an chỉ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực ngoài phòng thi. Chỉ có giám thị, thanh tra thi mới được vào phòng thi. Thiếu tá Hùng cũng cho biết việc thí sinh phải đóng gần 500.000 đồng “chống trượt” vẫn đang tiếp tục được làm rõ.
Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên Báo Người Lao Động có được, khoản tiền này là tổng hợp của nhiều khoản tiền khác nhau, trong đó có tiền học hè, học thêm và một số khoản khác.
Cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến nhà học sinh S. tại huyện Lục Nam nhưng em này đi vắng. Căn nhà của em S. khá đơn sơ. Một số người trong khu vực này cho biết hôm 5-6, đến nửa đêm S. mới về nhà. Chiều trước đó, công an địa phương có đến tìm nhưng không gặp S.
Công hay tội?
Đây không phải là lần đầu tiên những clip tố cáo sai phạm trong các kỳ thi tốt nghiệp được đưa lên mạng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Vân Tảo (huyện Thường Tín - Hà Tây), đã quay phim, ghi lại bằng chứng về gian lận thi cử xảy ra tại hội đồng thi Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên - Hà Tây). Sau đó, Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen cho thầy Đỗ Việt Khoa vì đã dũng cảm tố cáo tiêu cực.
Xem xét việc xử lý thí sinh S. Khi đề cập tiêu cực trong thi cử ở huyện Lục Nam, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết việc xử lý người quay clip cần được xem xét dựa trên nhiều yếu tố khách quan như động cơ, mục đích... Cần có hội đồng xem xét, xử lý việc này. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang điều tra, xem xét, không được dung túng, ai sai đến đâu xử lý đến đó theo đúng quy trình, đúng pháp luật. |
Bình luận (0)