Bản chất của vụ bê bối này có thể còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, như những người tổ chức quay, các thí sinh nhận quay clip này có vụ lợi hay không (có thông tin 2 thí sinh trực tiếp quay đến 6 video clip)… Nhưng dư luận rất quan tâm việc thí sinh S. - người trực tiếp quay clip đã tung lên mạng - có công hay có tội?
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng không thể dùng hành vi tiêu cực để chống tiêu cực. Thí sinh mang phương tiện ghi hình vào phòng thi là vi phạm quy chế thi, sử dụng nó thì lại thêm một lần vi phạm nữa.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho rằng thí sinh S. vừa có công vừa có tội. Có công là phản ánh được tiêu cực nhưng mang thiết bị điện tử vào phòng thi là vi phạm quy chế thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tố cáo những đơn vị vi phạm quy chế thi. Còn việc thí sinh quay video clip thì phải xem xét vì quy chế thi cấm làm việc đó.
Trong khi đó, đa số phản hồi của bạn đọc Báo Người Lao Động trong những ngày vừa qua đều cho rằng thí sinh S. có công phát hiện tiêu cực. Thí sinh S. chỉ có “tội” là làm cho đánh giá lạc quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 của Bộ GD-ĐT “thành công tốt đẹp” trở nên… không trọn vẹn!
Theo quy chế, đúng như ông Đào Trọng Thi phát biểu, thí sinh S. mang phương tiện có gắn thiết bị điện tử vào phòng thi và sử dụng nó là vi phạm quy chế thi. Thực chất thí sinh S. không dùng thiết bị điện tử đó phục vụ cho việc làm bài thi. Do vậy, việc xử lý thí sinh S. cần cân nhắc.
Xét cho cùng, thí sinh S. có công hơn có tội vì S. đã tiếp tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo về một kỳ thi quốc gia nữa thất bại.
Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục đã có cố gắng để tổ chức nghiêm túc kỳ thi này, điển hình là cuộc vận động “hai không” - “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Phong trào này đã thành công ngay từ năm 2007 nhưng sau đó, bệnh thành tích nhanh chóng quay trở lại, năm sau tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT cao hơn năm trước với nhiều địa phương tiệm cận tỉ lệ 100%, trong khi bê bối liên tục xảy ra, thậm chí tại nhiều tỉnh, “phao” vẫn trắng trường.
Bình luận (0)