Chúng tôi ghé thăm nhà giàn DK1/7 (nhà giàn Huyền Trân) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào một ngày giữa tháng 5, biển động cấp 4 đến cấp 5. Dù đoàn công tác có đến trên 100 người nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép, chỉ 20 người được lên thăm nhà giàn.
Do thời tiết xấu, chỉ 20 người được đến thăm nhà giàn DK1/7
Sau khi vượt quá nhiều con sóng cao quá đầu, chiếc xuồng chuyển tải của đoàn công tác mới cập đến chân nhà giàn. Sóng mạnh làm chiếc xuồng trồi lên rồi lại dập xuống, va đập dữ dội vào các cột sắt.
Với tình hình đó, việc từ xuồng bước lên cái thang dựng đứng để lên nhà giàn là cực kỳ nguy hiểm, không khéo sẽ bị dập gãy bàn chân như chơi.
Nhà giàn DK1/7
Sau khi đã thử leo lên nhà giàn bằng đường cầu thang bằng những cú bước thuần thục, đại tá Đặng Minh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân chỉ đạo các chiến sĩ trên nhà giàn đã thả thang dây xuống đón khách. Giây phút hồi hộp bắt đầu.
Gặp thời tiết xấu, chiếc thang dây đơn sơ này sẽ làm nhiệm vụ đón khách, vận chuyển lương thực...
Thang dây được làm bằng sợi dây dù to bằng nửa cổ tay, một đầu mắc vào một cái ròng rọc phía trên nhà giàn, đầu còn lại buộc vào một khúc gỗ hình chữ nhật, dài khoảng 4 tấc.
Khi chiếc thang dây thòng xuống, khách sẽ ngồi lên khúc gỗ, hai tay nắm dây. Sau hai khẩu lệnh “chuẩn bị”, “lên”, chiếc thang dây được kéo lên, cứ thế, từng người một.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Độ cao từ chiếc xuồng đến tầng thấp nhất của nhà giàn khoảng 5 m. Như vậy, chưa đến 15 giây người bị treo lơ lửng ở trên không, giữa biển Đông muôn trùng sóng vỗ. Vậy mà, đối với các thành viên trong đoàn đó là những giây phút cực đỉnh nhất trong đời!
Theo các chiến sĩ nhà giàn, chiếc thang dây tuy đơn sơ nhưng rất an toàn
Sau khi lên được nhà giàn an toàn, một số người tỏ vẻ ái ngại khi chiếc thang dây có vẻ sơ sài, nếu người khách nắm dây không chắc có thể rơi xuống biển như chơi. Anh Hoàng Ngọc Thắng, chiến sĩ nhà giàn DK1 cười trấn an: "Chiếc dây tuy không lớn nhưng khỏe lắm, kéo được cả những chiếc máy nặng 2 tạ. Thang cứu hộ có thắt lưng xem ra không an toàn bằng chiếc thang dây đơn sơ này. Bởi vì khi sử dụng thang dây, tay chân và cả người không bị bó buộc vào bất cứ thứ gì, nếu có sự cố xảy ra như rơi xuống biển chẳng bạn, họ sẽ chủ động hơn".
Cũng theo anh Thắng, chỉ với chiếc thang dây này, các chiến sĩ nhà giàn đã dùng để thay quân, đón khách khi thời tiết không thuận lợi. Và đặc biệt, nó là công cụ hữu hiệu để kéo hàng tấn hàng hóa, máy móc, nước ngọt lên nhà giàn.
Vườn rau nhỏ, xinh của các chiến sĩ nhà giàn DK1/7
Trên nhà giàn còn có hẳn một cây chanh rất sai quả
Lên nhà giàn khó khăn, vất vả là vậy nhưng ngồi cũng chẳng được lâu. Khi hai bên giao lưu văn nghệ, hát chưa được 5 bài thì bầu trời bỗng giăng mây đen kịt. Lo lắng cho đường về sóng gió lại gặp mưa giông thì nguy hiểm khó lường, thủ trưởng đoàn công tác giục mọi người xuống xuồng.
Vội vàng đến mức chủ khách không kịp chụp với nhau tấm hình kỷ niệm. Vội vàng đến mức ca sĩ Thanh Thúy vừa chia tay vừa lên một câu vọng cổ tặng một chiến sĩ quê gốc miền Tây...
Ca sĩ Thanh Thúy (ảnh trên) và Mai Khôi hát cùng chiến sĩ nhà giàn Dk1/7
Phút chia tay vội vã
Tiễn khách ra về cũng bằng thang dây
Lên đu dây, xuống cũng đu dây. Tuy nhiên, do được trấn an nên khi đu xuống bằng chiếc thang dây, ai cũng có vẻ thuần thục và thoải mái. Đường về cũng sóng gió không kém đường đi nhưng cảm giác hồi hộp đã tan biến, thay vào đó là những tiếc nuối âm thầm, hẹn một dịp trời yên biển lặng nhé, các chiến sĩ nhà giàn!
Bình luận (0)