Nguồn cội, sức mạnh văn hóa
Ông Trịnh Quang Dũng, Trưởng Phòng Công nghệ hệ mặt trời Viện Vật lý - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là người đầu tiên xây dựng ngành công nghệ điện mặt trời của nước ta. Ông từng nhận nhiều giải thưởng của Nhật, Mỹ, Anh cũng như trong nước về năng lượng. Chẳng biết có phải do “nghiệp” hay không mà ông mê văn hóa Việt cổ nên đã dành tâm huyết, thời gian, tiền bạc vun đắp cho những sở thích và giấc mơ của mình.
Học tập và làm việc ở nước ngoài gần 20 năm, đặt chân đến hơn 40 quốc gia, ông Dũng nhận ra giá trị lớn nhất của một dân tộc chính là văn hóa. “Không phải nước nào cũng có nền văn hóa như Việt Nam. Sử sách đều cho thấy văn hóa của người Việt có sức sống hàng ngàn năm, mạch chảy của lịch sử vô hình nhưng mạnh mẽ. Tôi muốn đi tìm nguồn gốc của trà Việt để khẳng định đó là một phần của nguồn cội, là sức mạnh văn hóa chỉ có dân tộc Việt mới có” - ông Dũng tâm sự.
Theo Tây học nhưng chịu khó “dùi mài kinh sử”, ông Dũng đã nghiên cứu hơn 240 cuốn sách bằng tiếng Anh, Việt, Nga để viết nên cuốn Văn minh trà Việt. Ý tưởng xuất phát từ 6 năm trước khi tham gia Hội Trà Việt Nam lần thứ nhất, ông bắt đầu chấp bút, viết và viết. Số trang sách ngày càng dày thêm nhưng ông cảm thấy vẫn chưa chuyển tải được hết những tâm huyết, đam mê của mình.
Vốn theo đuổi ngành khoa học tự nhiên, ông Dũng đi tìm lịch sử trà Việt cổ bằng những cứ liệu chính xác, dựa trên những bằng chứng thật, sử dụng vốn kiến thức phong phú về lịch sử, mỹ thuật. Chỉ những tấm bản đồ cổ mà mình đã bỏ bao công sức sưu tầm về nguồn gốc của trà Việt, ông tiết lộ khi đặt tên sách là Văn minh trà Việt, ông mong muốn viết cả về những vấn đề vật thể và phi vật thể, gồm toàn bộ văn minh của một nền văn minh dân tộc.
Giữ tập tục uống trà tươi
Theo ông Dũng, người Việt có tục uống trà bằng “mũi”. Hiện dân tộc Kháng ở vùng Tây Bắc vẫn còn tục này. Chỉ cho tôi xem những chiếc cốc bằng ngọc, ngà voi bên ấm trà và cả chiếc bàn để bào gừng có từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, ông khẳng định trên thế giới, duy nhất người Việt còn giữ tập tục uống trà tươi, dùng lá trà mới hái pha nước uống, cho thêm vài lát gừng tươi cho đậm đà.
Ông Dũng mong sao trà của người Việt cũng trở thành trà đạo như ở Nhật Bản, Trung Quốc… “Thế giới biết đến trà đạo của Nhật mới chỉ hơn 100 năm nay, sau khi một nghệ nhân trà Nhật cho ra đời cuốn The book of tea. Việt Nam đã có trà từ ngàn đời mà thế giới vẫn chưa biết đến. Hãng truyền hình CNN đã đưa 2 món ngon của Việt Nam vào 10 món ẩm thực được ưa chuộng nhất trên thế giới thì tại sao chúng ta lại không đưa được trà của mình thành “đạo”?” - ông Dũng trăn trở.
Bình luận (0)