Điều bất ngờ đầu tiên là thời điểm tiến hành nghiên cứu về chuyện “phong bì bệnh viện” diễn ra ngay trong thời gian mà ngành y nước nhà phát động phong trào “Nói không với phong bì”. Theo cơ quan tổ chức, cuộc nghiên cứu được tiến hành từ tháng 8-2011 đến 2-1012, trong khi phong trào trên được phát động từ cuối tháng 9-2011.
Cho dù chỉ diễn ra ở Hà Nội song sức lan tỏa của phong trào có hiệu ứng nhất định tới những bệnh viện khác trên cả nước. Nói không với phong bì, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế... đã được nhiều bệnh viện hưởng ứng, khuấy động thành phong trào trong toàn ngành y cũng như dư luận, người dân cả nước. Báo chí lao vào cuộc phản ánh, thông tin bệnh viện này, bệnh viện kia đề ra những biện pháp cụ thể để hưởng ứng phong trào.
Ấy vậy mà kết quả nghiên cứu mới đây khiến dư luận không khỏi thất vọng. Ngay tại thời điểm cao trào mới phát động phong trào “Nói không với phong bì” mà cũng chưa thấy có tín hiệu tích cực nào. Trái lại, kết quả nghiên cứu cho thấy tệ nạn “phong bì bệnh viện” vẫn diễn ra một cách phổ biến. Phong bì “cảm ơn” vẫn đều đặn được trao vào tay đội ngũ y bác sĩ. “Độ dày” của những chiếc phong bì “cảm ơn” này cũng gia tăng từ tuyến dưới lên tuyến trên trong ngành y, tức là ở bệnh viện tỉnh, thành thì dày hơn ở tuyến quận, huyện.
Điều bất ngờ nhân đôi là mức độ của sự “cảm ơn” đối với nhân viên y tế. Nếu như trước kia, không ít người vẫn nghĩ hay cho rằng “phong bì bệnh viện” chỉ là sự tham nhũng vặt nhưng kết quả nghiên cứu buộc người ta phải có cách nhìn khác. Nghiên cứu tiến hành với sự tham gia của những người là bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... cho thấy việc “cảm ơn” thậm chí có thể còn rất “khủng” như hứa lo việc làm, giúp mua nhà giá gốc, xin giúp con bác sĩ vào trường học chất lượng cao, làm sổ đỏ…
Kết quả nghiên cứu đúng vào thời gian phát động phong trào “Nói không với phong bì” vì thế chẳng khác nào một cú giáng mạnh vào phong trào ồn ào, mang tính hình thức, nhanh chóng thoái trào này. Rõ ràng, hình thức tham nhũng này đang tồn tại như một căn bệnh trầm kha mà ngành y tế hết thuốc chữa. Dư luận cả nước trông chờ ngành y tế quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, tìm được phương thuốc mới để trị căn bệnh này.
Bình luận (0)