Khi vụ clip ném “phao” thi ở Bắc Giang vỡ lở, nhiều người cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nó không trung thực, thiếu thực chất, ngành GD-ĐT còn nặng việc chạy theo thành tích… PGS Văn Như Cương cho biết nhiều người nói với ông rằng 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp thì không cần phải có một kỳ thi vất vả, căng thẳng như vậy. Ví như ăn một thúng gạo, nếu có 1-2 hạt thóc thì không đến mức phải đổ ra xay lại. Vì vậy, không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô quốc gia.
PGS Văn Như Cương khẳng định ông không đồng ý với quan điểm bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông cho rằng chủ trương thi toàn quốc như hiện nay là rất sai lầm, Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền của nhưng tiêu cực, thậm chí tiêu cực nghiêm trọng, vẫn xảy ra. Do đó, cần cải tiến kỳ thi sao cho nhẹ nhàng, đơn giản. Nhiều người lo lắng rằng trong một kỳ thi toàn quốc mà tiêu cực còn diễn ra ngang nhiên, nghiêm trọng như ở Bắc Giang, nếu giao cho các địa phương thì tình trạng tiêu cực còn nặng nề đến đâu? Theo PGS Văn Như Cương, phải đặt vấn đề về năng lực quản lý của Bộ GD-ĐT ở mức độ nào.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, nhiều ý kiến cho rằng cứ thi xong tốt nghiệp là biết trước được kết quả, như thế thì không nên tổ chức nữa nhưng mục đích thi không phải để đánh trượt thí sinh. “Đánh giá hiệu quả một kỳ thi bằng bao nhiêu em trượt là không phải, mà ở chỗ có sát với chất lượng học tập của thí sinh hay không, hay kỳ thi có tác động ngược trở lại, giúp cho việc học và thi của năm nay có đổi mới hay không, nâng cao chất lượng qua từng năm hay không…” - ông Hiển nhấn mạnh.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Đã học thì phải kiểm tra và thi nhưng hình thức thi như thế nào thì phải khoa học, thực tiễn. Nhiều học sinh bây giờ không chịu học, chỉ lo “chạy”. Nếu mọi người cứ dùng thủ thuật để qua các kỳ thi thì không thể thay đổi được” - ông Lâm lo ngại.
Theo TS Lâm, đã đến lúc ngành giáo dục phải chấm dứt tình trạng thi cử không nghiêm túc từ hội đồng thi, giám thị đến thí sinh. Không cần phải đến năm 2015 mới cải tiến thi cử mà phải tiến thành sớm hơn. Ông Lâm đề xuất: “Có thể dùng khoa học kỹ thuật để thay sức người trong việc tổ chức và giám sát một kỳ thi khách quan. Ngoài ra, phải cải tiến cách ra đề làm sao để cho dù có mở sách, mở vở, thí sinh cũng không làm được bài. Cứ ra đề theo kiểu học thuộc lòng thì đương nhiên quay cóp không thể chấm dứt được”.
Bình luận (0)