Thời gian qua, nhiều thương lái Trung Quốc xuất hiện ở huyện Tân Phước - Tiền Giang để thu mua khóm loại 1 (từ 1 kg/trái trở lên) với giá 4.000 đồng/kg. Thấy dễ kiếm lời, một chủ vựa khóm ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước đã thu gom được 2 container (hơn 42 tấn) để bán lại cho thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, thương lái Trung Quốc không mua nữa với lý do có tình trạng khóm nhỏ dưới 1 kg/trái trộn vào khóm loại 1. Tương tự, nhiều người cũng rảo khắp vùng Tân Phước hỏi mua khóm loại 1 để xuất khẩu sang Trung Quốc và cũng bị các thương lái Trung Quốc “chơi khăm” khi biến mất mà không có lý do. “Các thương lái Trung Quốc chỉ đặt cọc 10 triệu đồng mà yêu cầu chúng tôi thu gom cả container khóm, giờ họ đi rồi thì biết bán cho ai?” - ông Thuận, một người thu gom khóm, than thở.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng (ngụ thị trấn Mỹ Phước) cho biết thương lái Trung Quốc không cần đợi khóm chín mà còn xanh cũng thu mua, miễn to là được. Các thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao vì khóm ở nước họ không ngọt bằng khóm ở những vùng nhiễm phèn nặng như khu vực Đồng Tháp Mười” - ông Hoàng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trong những ngày thương lái Trung Quốc thu mua khóm, lượng khóm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến như Công ty Rau quả Tiền Giang giảm tới 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất. Ngoài ra, trong lúc mua khóm, các thương lái Trung Quốc “đặt hàng” với nhiều người Việt bằng cách ký “hợp đồng miệng”. Vì vậy, khi họ lật lọng thì những người thu gom khóm lâm vào cảnh dở khóc dở cười, còn nông dân cũng méo mặt vì trước đó đã thu hoạch khóm xanh (chưa chín) để bán.
Những ngày cuối tháng 5, trên Quốc lộ 14 B, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Đại Lộc và Nam Giang - Quảng Nam, cảnh mua bán khóm diễn ra rất náo nhiệt. Chị Nguyễn Thị Hải (ngụ huyện Đại Lộc) cho biết hơn nửa tháng nay, mỗi ngày có hàng chục người tập trung về đây mua khóm. “Họ chỉ mua khóm loại 1 để bán lại cho các thương lái Trung Quốc, còn khóm nhỏ thì chúng tôi phải mang ra chợ bán” - chị Hải nói.
Thu mua hải sản và chuối già Thời gian qua, tại Đà Nẵng đã xuất hiện các thương lái người Trung Quốc trực tiếp đi thu mua hải sản của ngư dân địa phương với giá cao, sau đó thuê nhân công sơ chế rồi vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, hầu hết các thương lái Trung Quốc “một đi không trở lại” khiến cho giá các mặt hàng hải sản bị rớt thê thảm. Ở huyện Cái Bè - Tiền Giang, nhiều người đã vào tận nhà vườn thu mua chuối già với giá cao để xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng chỉ thu mua được một thời gian rất ngắn rồi bỏ, gây tổn thất lớn cho nhà vườn vì đã đốn bỏ các cây ăn trái để trồng chuối già. |
Kỳ tới: Khó quản thương lái Trung Quốc
Bình luận (0)