“Ngày nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, mẹ tôi vui lắm. Mẹ nói: “Đời mẹ đến đây đã mãn nguyện rồi”. Nay mẹ tôi đã 85 tuổi, vẫn còn minh mẫn, thường hay nhắc nhở chị em chúng tôi chăm sóc con cái cẩn thận. Với mẹ, “có làm vương làm tướng gì mà để con hư là hỏng”.
Tần tảo sớm khuya
Ngày thủ đô Hà Nội giải phóng, mẹ tôi làm công nhân ở Xí nghiệp Dệt công tư hợp doanh. Nhà ở phố Bà Triệu, mẹ đi làm ở phố Hàn Thuyên. Ngày xưa chẳng mấy người có xe đạp; mẹ cũng thế, đi làm hay đi họp toàn đi bộ và tàu điện.
Từ nhiệt huyết của người thợ dưới chế độ mới, mẹ được tín nhiệm giới thiệu ứng cử HĐND TP Hà Nội khóa đầu tiên. Mẹ kể trong ánh mắt lấp lánh: “Ngày có kết quả bầu cử, mọi người trong phố kháo nhau: cô Mão, con gái bà Giáo, trúng cử rồi! Bà ngoại vui và tự hào lắm”.
Tác giả Hồ Thị Kim Loan và mẹ.
Vì là xí nghiệp công tư hợp doanh nên ngày nào mẹ đi làm mới có lương. Khi là đại biểu HĐND, phải họp hành nhiều, nghỉ việc nhiều nên đồng lương ít lại. Có lúc không còn đủ gạo, cả nhà phải ăn cháo. Khó khăn là thế nhưng mẹ vẫn tham gia hoạt động đoàn thể hăng hái, chăm sóc mẹ già và con cái chu đáo.
Một lần họp HĐND TP, lúc giải lao, thấy mẹ ngồi đăm chiêu, bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch TP Hà Nội, hỏi thăm mẹ về công việc, về gia đình. Mẹ kể chuyện những ngày đi họp không có lương, bác sĩ Hưng chăm chú lắng nghe. Cuối giờ, chú thư ký của bác sĩ Trần Duy Hưng tìm gặp, đưa cho mẹ chiếc phong bì, mẹ xúc động lắm. Về đến nhà, mẹ run run mở phong bì thấy có 6 đồng. Lâu ngày không ăn thịt, mẹ mua ngay con gà bồi dưỡng cho cả nhà.
Những năm tháng chống Mỹ, bố tôi được cử đi học ở nước ngoài. Cả Hà Nội sơ tán, mỗi tháng mẹ lặn lội lên thăm chị em tôi, lo cho chúng tôi cái ăn cái mặc. Cuộc sống khó khăn phải chắt chiu từng tí. Tôi học từ mẹ những bài học tiết kiệm. Ngày xưa đun củi, mùa đông thổi cơm xong, bếp than còn nóng, mẹ tranh thủ đặt ấm nước để cả nhà ngâm chân buổi tối cho đỡ lạnh.
Mùa hè, mỗi lần gội đầu, thay vì cho bồ kết vào nước đun sôi thì mẹ dạy bẻ nhỏ và vò quả bồ kết cho vào chậu nước đem phơi nắng... Mẹ tần tảo nuôi hai chị em tôi khôn lớn qua những tháng ngày gian khó. Chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn trở thành kỹ sư, bác sĩ, mẹ mừng lắm.
Điểm tựa của gia đình
Trên đường đời mưu sinh, những lúc gặp khó khăn, vướng mắc, tôi lại chạy đến tìm mẹ. Khi ấy, mẹ lại chia sẻ, động viên và cho tôi những lời khuyên bổ ích để tôi có đủ nghị lực vượt lên. Bây giờ, tôi đã là mẹ của hai con, do hoàn cảnh nên phải nuôi con một mình. Tôi nhận ra khó nhất vẫn là dạy con nên người.
Thời mẹ tôi không có internet, điện thoại di động, tivi... Trẻ con thời chúng tôi ngoài tình thương của gia đình còn được Đội, Đoàn quan tâm. Nay thì xã hội đã thay đổi nhiều. Thói hư, tật xấu cứ nhan nhản trên sách báo, trên mạng, trên đường phố khiến trẻ con dễ sa ngã.
Tôi cố gắng không đánh cắp tuổi thơ của con và dạy con bằng chính tấm gương của mình cộng với những điều học được từ sách vở. Hiện nay, hai đứa con trai của tôi, đứa học đại học năm thứ 4, đứa học lớp 11. Các cháu rất ngoan. Nhưng với tuổi ấy, chúng đã biết nhìn nhận, đánh giá và có những nhận xét riêng.
Đọc xong tờ báo, coi xong chương trình thời sự, chúng lại đặt câu hỏi, lắm lúc tôi không trả lời được đành phải khuyên con nên chú tâm chuyện học hành; mai sau ra đời, đời sẽ dạy con thêm. Tôi mong người lớn phải làm gương để những người mẹ như tôi không gặp phải những câu hỏi khó từ con mình.
Từ thực tế cuộc sống của mình, tôi thấy rằng để có một gia đình êm ấm, con cái không vướng vào thói hư tật xấu, người phụ nữ không chỉ là người mẹ mà còn phải là người thầy, người bạn của con. Và điều lớn lao nhất để giữ được mái ấm gia đình chính là tình yêu thương mà người phụ nữ chính là điểm tựa; là trung tâm để thu hút, giữ gìn điều đó. |
Bình luận (0)