* Phóng viên:Những năm qua, các vụ mua bán dâm bị phát hiện chủ yếu chỉ công khai người bán dâm, còn người mua dâm thì hầu hết được giấu tên và “an toàn”. Nhiều ý kiến cho rằng cách làm vậy vừa không nhân văn, không công bằng và có khi còn góp phần làm tệ nạn này gia tăng, thưa ông?
- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng là vậy. Tôi cho rằng việc công khai tên và xử lý nửa vời như vậy là chưa công bằng. Tôi kiến nghị về hệ thống pháp luật phải xem xét, rà soát lại để quy định rõ hơn và có chế tài xử lý đối với việc chỉ công khai một phía (người bán dâm - PV).
Chúng ta muốn đấu tranh chống mại dâm, chống tệ nạn xã hội mà lại không công khai, thiếu công bằng thì càng khó gấp bội. Trong vấn đề mua -bán dâm xuất phát từ thực tế có cầu mới có cung - đây là quan hệ biện chứng. Vì thế, khi đã chống cung thì phải chống cả cầu, đó là nguyên tắc. Tôi cho rằng cần công khai cả người bán dâm và người mua dâm.
* Có ý kiến cho rằng công khai danh tính người mua dâm là không khả thi và sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác, sẽ gây tan vỡ hôn nhân gia đình của họ?
- Ý kiến này không đúng. Bởi trước hết, người mua dâm muốn giữ hạnh phúc gia đình thì đừng làm chuyện bậy bạ và cũng không ai ủng hộ việc làm bậy này cả. Làm gì có chuyện vừa muốn gia đình êm ấm, vợ con kính trọng lại còn được đi mua dâm - việc này pháp luật cấm. Tôi đồng tình với biện pháp gửi danh tính người mua dâm đến cơ quan, đơn vị, cả địa phương - nơi cư trú và công khai trước dư luận mới mong ngăn chặn được tệ nạn này.
* Tại sao chúng ta không áp dụng mức phạt thật nặng để có sức răn đe?
- Để ngăn chặn vấn nạn này đúng là cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, trong đó có việc xử phạt. Song chỉ phạt hành chính thôi thì không đủ sức ngăn chặn vì nếu người mua dâm là đại gia thì sẵn sàng chi tiền để làm bậy.
* Thực tế không khả thi vì sự thờ ơ và không rốt ráo?
- Quả đúng là việc này chưa rốt ráo. Bởi lẽ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa sát sao thực hiện trong khi tệ nạn mại dâm đã đến lúc báo động. Luật xử lý vi phạm hành chính cũng theo hướng không đưa đối tượng mại dâm vào cơ sở khám chữa bệnh nên nếu không cương quyết, không làm triệt để thì công cuộc phòng chống mại dâm, phòng chống tệ nạn xã hội sẽ không thể có hiệu quả.
* Cá nhân ông có ủng hộ hợp pháp hóa hoạt động mua bán dâm ở Việt Nam?
- Vấn đề này vẫn đang có ý kiến khác nhau và vẫn đang phải bàn. Hơn nữa, văn hóa Á Đông, trong đó có người Việt Nam, hiện vẫn chưa thể dễ dàng xem là việc công khai và hợp pháp. Thiết nghĩ, Việt Nam chưa nên ủng hộ việc mại dâm công khai.
Gia tăng tình trạng ra nước ngoài bán dâm Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012 và phương hướng 6 tháng cuối năm của Công an TPHCM, tổ chức sáng 12-6. Theo đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TPHCM, các đối tượng là gái gọi, gái bao cao cấp lợi dụng việc đi du lịch nước ngoài để bán dâm. Hoạt động môi giới, chào bán dâm qua mạng internet cũng diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng công an đã triệt phá 43 ổ bán dâm, lập hồ sơ xử lý 204 đối tượng, chuyển 46 gái bán dâm vào trung tâm giáo dục dạy nghề. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TPHCM xảy ra 2.353 vụ phạm pháp hình sự (giảm 185 vụ so với cùng kỳ năm 2011). Lực lượng công an điều tra khám phá được 1.712 vụ, bắt 2.222 đối tượng (đạt 72,76%, tăng 4,82% so với cùng kỳ 2011), triệt phá 352 băng nhóm hoạt động có tổ chức, bắt 860 đối tượng. Tại hội nghị, 3 tập thể và 3 cá nhân thuộc Công an TPHCM có thành tích xuất sắc trong công tác đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. T.Tiến |
Bình luận (0)