Trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, giá cả cũng như các hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết tăng đáng kể. Thế nhưng giá gạo thế giới đã nhanh chóng đảo chiều từ giữa tháng 5 đến nay. Tình hình giao dịch cũng trầm lắng hẳn, chỉ còn mặt hàng gạo cao cấp và gạo thơm bán được, trong khi các loại gạo cấp thấp gần như không xuất được.
Cạnh tranh không nổi với gạo Ấn Độ
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tình hình giá gạo thế giới hiện nay diễn biến rất bất thường. Thế giới đang hình thành 3 khung giá. Giá gạo cấp thấp thuộc về Ấn Độ, Myanmar, còn thị trường gạo giá trung bình thuộc về Việt Nam và Pakistan... Riêng gạo giá cao do Mỹ và Thái Lan chi phối.
Hiện giá gạo của Ấn Độ đang giảm mạnh gây ảnh hưởng đến giá gạo thế giới, nhất là mặt hàng gạo cấp thấp. Những tháng trước, gạo 25% tấm của Ấn Độ còn ở mức 410 USD/tấn nhưng nay họ giảm xuống chỉ còn 350 - 360 USD/tấn. Ngay cả loại gạo cao cấp 5% tấm hiện họ cũng điều chỉnh giảm từ 450 USD xuống còn 390 USD/tấn để cạnh tranh. Không chỉ giá gạo Ấn Độ đang giảm mạnh mà gạo của Myanmar cũng hạ xuống chỉ còn 315 USD/tấn (gạo 25% tấm), giảm 25 USD/tấn... “Việc Ấn Độ, Myanmar hạ giá gạo xuất khẩu xuống thấp đã giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường gạo cấp thấp tại châu Phi, trong khi thị trường này lâu nay do gạo Việt Nam chi phối”- một cán bộ VFA nói.
Theo ông Trương Thanh Phong, sở dĩ giá gạo Ấn Độ giảm mạnh là do nước này đang có lượng lương thực tồn kho lên đến 65 triệu tấn, trong đó có từ 32 đến 33 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng bị tồn kho lên đến 12 triệu tấn lúa, trong khi chính sách hỗ trợ thu mua lúa giá cao của chính phủ nước này vẫn tiếp tục thực hiện, do đó, áp lực xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng rất lớn. Gần đây, còn có thông tin Thái Lan sẽ “xả” một lượng gạo tồn kho từ 300.000 đến 500.000 tấn để xuất khẩu và 100.000 tấn cho thị trường nội địa.
Áp lực từ 1 triệu tấn gạo “xấu”
Tại các tỉnh ĐBSCL, sản lượng lúa hè thu (đang thu hoạch) có khả năng đạt 8,6 triệu tấn lúa, trong đó có khoảng 2,5 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu. Vụ thu đông tiếp theo có thêm 3,3 triệu tấn lúa, trong đó có khoảng 1 triệu tấn gạo hàng hóa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cả vụ hè thu cũng như vụ thu đông sắp tới đều có diện tích gieo trồng giống lúa phẩm cấp thấp, nhất là giống lúa IR50404, rất lớn (dự kiến sẽ có 1,1 triệu tấn vụ hè thu là gạo chất lượng thấp) đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. “Gạo trung bình, gạo cấp cao và gạo thơm vẫn có thể cạnh tranh vì giá gạo của Việt Nam không quá cao nhưng gạo phẩm cấp thấp gần như hết cửa”- ông Trương Thanh Phong lo lắng.
Theo VFA, thị trường truyền thống như Bangladesh đã mất về tay Ấn Độ, thị trường Philippines hiện nhập không nhiều, còn Malaysia, Cuba cũng đã ký đủ số lượng... Chỉ riêng thị trường Trung Quốc vẫn còn mua bán tốt nhưng đây là thị trường không ổn định.
Lúa IR50404 vẫn chiếm tỉ lệ đến 25% Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết đã có nhiều cảnh báo không nên gieo trồng một loại giống vượt quá 15%, nhất là đối với giống lúa IR50404 phải hạn chế tối đa. Tuy nhiên, vụ hè thu này diện tích trồng lúa IR50404 vẫn chiếm tỉ lệ đến 25%. Cũng theo ông Hòa, sở dĩ giống lúa IR50404 vẫn được gieo trồng nhiều là do dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao nên nhiều nông dân vẫn... ham. |
Bình luận (0)