"Nóng" nghị trường với đập sông Tranh
Sáng nay, 14-6, liên quan đến chất vấn của ĐB về sự cố rò rỉ thủy điện Sông Tranh Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Theo tôi, đập đã an toàn. Đập đã được một công ty Nhật tư vấn độc lập kiểm định".
Trả lời thêm chất vấn của ĐB Lê Văn Lâm (Bình Thuận) về việc có độc quyền trong xăng dầu, lợi ích nhóm hay không, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc điều hành xăng dầu có sự phối hợp chặt giữa Bộ Công Thương và các bộ. Hiện có 12 doanh nghiệp tham gia kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu. Tới đây có thêm 2 nhà máy lọc dầu có sự tham gia của nước ngoài... Không có cơ sở để khẳng định có lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu.
ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) không hài lòng với phần trả lời của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng liên quan đến đập thủy điện Sông Tranh khi hỏi lại có đã từng xảy ra sự cố ở những thủy điện thi công bằng phương pháp bê tông đấm lăn như thủy điện Sông Tranh hay không? Có tính đến phương án di dời dân? Trách nhiệm gây ra sự cố nếu có thuộc về ai?...
Bị hỏi dồn Bộ trưởng Hoàng cũng chỉ nói: Phải xử lý an toàn, không để xảy ra vỡ đập. Việc di dân sẽ phải tính sau. Trách nhiệm liên quan đến ai thì cũng phải tính.
Về vấn đề này, trong phát biểu bổ sung, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Đập vẫn an toàn. Theo bộ trưởng Dũng, sau 4 tháng tích nước, thủy điện Sông Tranh 2 có hiện tượng thấm nước - chứ không phải sự cố rò rỉ nước. Đây là hiện thượng bình thường và hiện chủ đầu tư đang quyết liệt thực hiện việc chống thấm.
Bộ trưởng Dũng nói: “Sẽ kiểm tra chéo về mức độ an toàn. Nếu đã an toàn thì không di dời dân; mà tôi khẳng định là đập an toàn”. Cũng theo bộ trưởng Dũng, hiện trên thế giới chưa có sự cố nào đối với các thủy điện thi công bằng phương tháp đầm lăn như thủy điện Sông Tranh 2. Còn về trách nhiệm, bộ trưởng Dũng đề cập đến hội đồng nghiệm thu nhà nước trong trường hợp xảy xảy ra sự cố ở đập thủy điện này.
Sẽ dừng ngay dự án 6 và 6A nếu tác động xấu đến môi trường
ĐB QH tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho ý kiến cân nhắc giữa cái được và cái mất ở dự án thủy điện 6 và 6A; bởi việc xây dựng các thủy điện này sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cho cả vùng, rừng Nam Cát Tiên. Ngoài ra, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh, có yêu cầu chuyển 50ha trở lên phải trình quốc hội xem xét, trong khi 6 và 6A bỏ qua thủ tục này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đến thời điểm này, các báo cáo về các tác động môi trường hiện nay chưa đạt yêu cầu. Theo đó, Viện tài nguyên môi trường TPHCM được giao báo cáo, dự kiến sẽ có vào tháng 3 -2013. Dựa trên báo cáo hoàn chỉnh và tổng thể, nếu thấy có tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái thì sẽ cho dừng ngay việc triển khai dự án.
Liên quan đến việc xây dựng thủy điện, trong phần phát biểu bổ sung trả lời chất vấn của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rà sát lại các dự án thủy điện trên cả nước. Vưa qua đã bỏ 53 dự án thủy điện do chiếm đất sản xuất quá lớn nhưng không có nguồn cân đối trở lại. Tới đây sẽ tiếp tục rà soát. Những địa phương nào khi làm thủy điện nhưng không có đất để cân đối, trồng bù rừng thì sẽ bị thu hồi vốn đầu tư, không cho làm.
Phó thủ tướng lưu ý việc xây dựng thủy điện và các hồ thủy điện là cần thiết. Nhưng phát triển thủy điện phải bền vững, không ảnh hưởng xấu đến môi trường, vấn đề sản xuất, tái định cư của người dân và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc quy hoạch, lập dự án thủy điện. Bắt buộc phải có sự tham gia của cơ quan thủy lợi, nông nghiệp trong việc đánh giá tác động môi trường. Thứ hai, phải trồng bù rừng đã mất. Vừa qua, nhiều địa phương không có đất để bố trí trồng bù rừng. Quy định của luật pháp là phải trồng bù rừng, địa phương nào không thực hiện sẽ thu hồi lại vốn.
Về tái định cư, những dự án thủy điện đang gặp khó khăn tái định cư, các bộ ngành sẽ phải phối hợp giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng
Bao giờ xóa độc quyền ngành điện?
Mở đầu phần chất vấn ĐB Bùi Mạnh Hùng đã xoay quanh vấn nạn độc quyền lâu nay của ngành xăng dầu và điện lực. "Trách nhiệm của bộ Công Thương như thế nào trước vấn đề độc quyền lâu dài của 2 ngành này. Khi nào sẽ phá thế độc quyền yếu kém dẫn đến độc quyền kép như hiện nay?"
ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) bức xúc trước tình trạng các tiểu thương Trung Quốc vào tận các ngóc ngách thu mua nông sản của người dân trong khi đầu ra ở trong nước lại không có. "Vậy trách nhiệm của bộ trưởng ở đâu khi để xảy ra chuyện này?"
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) và Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cùng đặt vấn đề về những yếu kém của quản lý và phát triển các dự án thủy điện, nhất là các thủy điện nhỏ làm ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, đời sống dân sinh...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận tình trạng độc quyền của ngành điện nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh, sự phát triển của ngành điện và quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên để xóa bỏ được thế độc quyền cần thực hiện theo lộ trình và bộ đã có đề xuất với chính phủ về lộ trình thực hiện. Cách thực hiện xóa bỏ thực hiện qua các bước: Năm 2012 sẽ chính thức phát điện cạnh tranh; năm 2014 thực hiện tiến hành bán giá điện cạnh tranh. Bộ trưởng cũng thừa nhận là lộ trình này vẫn còn kéo dài nhưng lý giải là do đây là thị trường hết sức mới mẻ; điện là mặt hàng đặc biệt vì vậy cần có phải có những bước đi thận trọng.
"Cũng như ngành điện ngành xăng dầu cũng ở thế độc quyền và chúng phải thực hiện theo lộ trình" bộ trưởng than thở. Tuy nhiên lộ trình thực hiện này là có chậm so với yêu cầu, "Bộ xin nhận khuyết điểm", bộ trưởng nói.
Trước câu hỏi về số lượng các dự án thủy điện lớn nhưng hiệu quả hiện nay còn nhỏ, bộ trưởng cho biết cả nước có 1.097 dự án thủy điện sản cuất 24.000 MgW, cung cấp 36% sản lượng điện quốc gia. Tỉ lệ đã và đang triển khai dự án chiếm 45%. Hiện bộ đang cùng địa phương tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế của thủy điện về rừng đầu nguồn, môi trường môi sinh, ...Qua kiểm tra đã loại bỏ 52 công trình kém chất lượng.
Một trong những giải pháp để khắc phục những yếu kém của các dự án thủy điện là trồng lại rừng đền bù cho số lượng đã bị phá do thủy điện. "Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quỹ đất, ngoài một số dự án đã trồng lại còn nhiều dự án vẫn chưa thực hiện được do đất trồng rừng không có", bộ trưởng thừa nhận.
"Việc không kiểm tra thường xuyên các dự án thủy điện là do lực lượng, nhân lực có hạn. Đây cũng là do trách nhiệm của bộ còn yếu nên chúng tôi xin nhận khuyết điểm", bộ trưởng nhận lỗi lần 2.
Theo bộ trưởng việc tư nhân Trung Quốc thu mua nông sản của nông dân đã có luật Thương mại điều chỉnh. Qua người dân và phản ánh của báo chí, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở Công thương kiểm tra và báo cáo để có biện pháp xử lý.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn bộ trưởng về đầu ra của nông sản thông qua việc khoai lang bị tiểu thương Trung Quốc ép giá
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: Tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng đang gây thất thu ngân sách, sản xuất hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, sức khỏe người. Bộ Công Thương có giải pháp gì cho vấn đề này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc chống buôn lậu, gian lận thương mại đang là vấn đề rất cấp bách. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc chống gian lận thương mại, hàng gian hàng giả tràn từ nước ngoài về Việt Nam là rất khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan là công tác kiểm tra, giám sát hải quan còn nhiều yếu kém; việc xử phạt hành vi gian lận thương mại chưa đủ sức răn đe. Trong nhiều vụ việc, việc chế tài, xử phạt hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường khả năng cũng có hạn, có xảy ra tiêu cực, góp phần cho hành vi gian lận thương mại có đất phát triển.
Theo bộ trưởng, Việc chống gian lận thương mại là vấn đề sống còn đối với quá trình phát triển hội nhập. Để giải quyết vấn nạn này, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục có bổ sung sửa đổi về xử phạt chế tài gian lận thương mại; tăng cường quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi, hiện đại, nếu không có đủ phương tiện ứng phó thì khó xử lý, phát hiện. Do vậy, tới đây, cũng phải trang bị công cụ, phương tiện hiện đại để đối phó, mục tiêu là giảm dần gian lận thương mại, hạn chế tối đa việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm đó là giá xăng dầu. ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng cao ngay. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước giảm chậm và giảm ít. Giá tăng thì trong nươc tăng ngay, còn khi giảm thì giảm chậm, giảm ít? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận có tình trạng trên khi nội dung trả lời nhắc lại ý của ĐB Lâm. Theo bộ trưởng, chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, theo cơ chế điều hành của Nhà nước. Có xảy ra tình trạng vừa qua là do phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Theo quy định, thời điểm tăng giá xăng dầu giữa hai lần cách nhau tối thiểu 10 ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập xăng để dự trữ trược cả tháng, nên việc điều chỉnh giá sẽ có độ chênh nhất định.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về giá điện
ĐB Trương Thị ánh (TPHCM): Vì sao công nghiệp phụ trợ phát triển chậm. Đâu là giải pháp? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề giải quyết hàng tồn kho?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận vấn đề giải phóng hàng tồn kho, đây là vấn đề trọng tâm, chính phủ chỉ đạo phải khẩn trương giải quyết. Trong 5 tháng qua, hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng tăng 20-25% so cùng kỳ năm trước. “Giải pháp mà chúng tôi đề xuất, trước hết tập trung vào các sản phẩm của người nông dân như gạo, cà phê, muối. Đối với gạo, năm 2012 xuất khẩu không gặp thuận lợi. Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp mua gạo dự trữ vào tháng 4, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước. Về muối, đã mua 200.000 tấn muối của diêm dân, giải quyết đầu ra cho nông dân. Riêng sản phẩm công nghiệp triển khai việc đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường hơn nữa việc sử dụng hàng Việt Nam... “Chúng tôi nghĩ giải quyết hàng tồn kho là trách nhiệm của toàn xã hội. Bản thân doanh nghiệp phải tự mình giải quyết chứ không cờ đến sự hỗ trợ”, bộ trưởng nói thêm.
Về công nghiệp phụ trợ, nhấn mạnh thêm vào phần trả lời của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng công nghiệp phụ trợ là lõi của nền kinh tế, tạo đà cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Không có công nghiệp phụ trợ thì không tái cơ cấu công nghiệp để phát triển được. Hàng tồn kho tăng 20%, đã là chuyện cấp bách. Bộ Công Thương phải làm rõ từ nay đến cuối năm có giải phóng được không? Nếu không giải phóng được thì nợ chồng lên nợ, doanh nghiệp mắc nợ ngân hàng...
Liên quan đến phát triển thủy điện, ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), bức xúc cho rằng thời gian qua phần lớn các dự án thủy điện ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Việc phá rừng làm thủy điện đang gây ra những tác động đến đời sông người dân. Làm sao để bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân.
Ngoài ra, đề nghị cho biết có công trình nào thi công như thủy điện Sông Tranh 2 mà vẫn bị rò rỉ nước bất thường như thủy điện Sông Tranh 2. Theo bộ trưởng có nhất thiết di dời dân hay không? Nếu có sự cố vỡ đập gây ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không trả lời thẳng từng câu hỏi mà chỉ nói chung chung: Đây là sự cố hy hữu, đang tìm cách khắc phục.
Bình luận (0)