Trong số những bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có nhiều trường hợp trước đó đã tiêm phòng vắc-xin
Chưa kịp tiêm nhắc đã mắc bệnh
Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Hoàng Thu Thủy (ngụ Gia Lâm- Hà Nội) cứ băn khoăn không hiểu tại sao con gái 26 tháng tuổi của chị đã được tiêm vắc-xin ngừa Rubella nhưng vẫn mắc bệnh này. Thủy cho biết khi con được 15 tháng tuổi, chị đã đưa tới trung tâm y tế dự phòng tiêm vắc- xin phối hợp sởi, quai bị, Rubella nhưng chưa tới thời điểm tiêm nhắc lại mũi thứ 2 thì bé đã mắc bệnh.
Trong khi đó, vì chủ quan rằng đã được chích ngừa vắc-xin thủy đậu nên khi thấy con sốt và xuất hiện các nốt đỏ, nốt phỏng trên da, chị Trần Thị Quyên (ngụ Hưng Yên) nghĩ cứ để tự nhiên một vài ngày sẽ khỏi. Thế nhưng, do không vệ sinh da cẩn thận, con chị ngứa ngáy gãi trầy da dẫn tới bội nhiễm, nốt đậu mưng mủ, sưng to phải điều trị kéo dài.
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, khoa này tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, Rubella, thủy đậu, quai bị…, trong đó có những trường hợp đã được tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc trẻ được tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh có thể do nhiều nguyên nhân như cơ địa quá yếu không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với vắc - xin, tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định hoặc trẻ được tiêm phòng trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng. Ngoài ra, có thể còn do chất lượng vắc-xin bị giảm vì quy trình bảo quản hoặc kỹ thuật tiêm không bảo đảm.
Không bảo vệ được 100%
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vắc-xin là công cụ rất hiệu quả để chống lại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh, tiêm vắc-xin là cách chủ động đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế không có vắc-xin nào là hoàn hảo và bảo vệ 100% cho người được tiêm. Do đó, vẫn có một tỉ lệ nhất định người tiêm không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.
Ông Bình lưu ý với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch thụ động chống lại các tác nhân gây bệnh thường được người mẹ truyền sang nhưng miễn dịch này chỉ tồn tại trong vòng 6 tháng sau sinh. Sau thời điểm này, trẻ rất dễ bị mầm bệnh trong môi trường tấn công nên sẽ dễ nhiễm bệnh. Đây chính là đối tượng cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh, ít nhất là những loại vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm vắc-xin ngừa Rubella, uốn ván, cúm… để bảo vệ thai nhi tránh các dị tật do người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Hiện có hơn 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc-xin. Sau tiêm phòng, dù có thể giảm lượng kháng thể nhưng cơ chế miễn dịch ở nhiều trường hợp vẫn rất nhạy cảm, giúp cơ thể đáp ứng rất nhanh khi tiếp xúc lại với mầm bệnh. |
Quên lịch tiêm nhắc lại Giới chuyên môn cho rằng việc cha mẹ quên hoặc bỏ qua lịch tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại cũng là một trong những lý do khiến trẻ vẫn mắc bệnh. Ngoài ra, một số loại vắc-xin được khuyến cáo tiêm chủng hằng năm như cúm, tả vì thời gian bảo vệ ngắn hoặc không tạo được miễn dịch sau các liều tiêm trước. Một số vắc-xin khác như sởi, Rubella, quai bị thì cần tiêm các liều bổ sung vì có một tỉ lệ trẻ em không tạo được miễn dịch bảo vệ sau mũi tiêm đầu. Các loại vắc-xin cần được tiêm nhắc lại là phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu... |
Bình luận (0)