Theo báo cáo của BSA, do kinh tế khó khăn nên sức tiêu thụ hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh, hàng tồn từ các DN đang khá lớn. BSA vừa khảo sát tình hình mua sắm trên địa bàn TPHCM trong những tháng đầu năm, cho thấy những người trong độ tuổi đi làm đã giảm mua sắm khá mạnh.
Các tiểu thương ở chợ trên địa bàn đều cho biết sức tiêu thụ rất chậm, doanh số giảm 30% - 60% (tùy ngành hàng) so với cùng kỳ năm ngoái. Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), từ sau Tết đến nay tình hình buôn bán ảm đạm dẫn đến 100/403 sạp thực phẩm tươi sống phải tạm ngưng kinh doanh.
Khu vực bán hàng tạp hóa, gia vị cũng có 38/232 sạp ngưng kinh doanh. Còn tại chợ đầu mối Tân Bình, trước đây có 70 sạp, nay chỉ còn 15 sạp hoạt động cầm chừng. Tương tự, tại các chợ Tân Định (quận 1), chợ Xóm Chiếu (quận 4), chợ Tam Bình (quận Thủ Đức) hàng loạt tiểu thương giảm lượng hàng hoặc đóng cửa, chuyển đổi ngành nghề...
Theo ban quản lý các chợ: Bến Thành, Tân Định, An Đông, Bình Tây, sức mua tại các chợ này giảm trên 30%. Các mặt hàng bán chậm nhất là vải sợi, may mặc, hàng nhôm và nhựa gia dụng...
Sức tiêu thụ ở các siêu thị cũng không nằm ngoài cơn bão ế ẩm. Dù nhiều siêu thị liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng sức mua vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tại hệ thống siêu thị Vinatexmart, sức mua đã giảm 7% - 10% so với cùng kỳ (tùy mặt hàng)...
Để xúc tiến tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm khó khăn như hiện nay, theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, DN cần phải có kênh phân phối, chính sách tốt, trong đó việc tổ chức khâu bán hàng hiện nay là sống còn của các DN.
Đồng quan điểm trên, ông Mai Xuân Phú, Giám đốc Công ty Nông phẩm xanh, cho rằng giải quyết hàng tồn trước mắt, cần phải mở thêm kênh tiêu thụ, làm mới hình thức bán hàng và giảm chi phí sản xuất để có giá thành hạ. Bà Trần Thị Hạnh, Phó Giám đốc DNTN Cơ Nông, cho biết sản phẩm nhựa gia dụng của đơn vị làm ra mang trực tiếp đến các điểm giao hàng nên giá thành giảm hơn 10% và kéo theo hàng tồn ít đi.
Bình luận (0)