xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khuyến khích nhà báo dấn thân

PHẠM DƯƠNG thực hiện

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng không chỉ bảo vệ mà cần khuyến khích nhà báo dấn thân bởi sự dấn thân của nhà báo mang lại lợi ích cả cho người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước

*  Phóng viên: Để có những thông tin từ các điểm nóng xã hội hay vấn đề nóng của chính sách, đòi hỏi nhà báo phải dấn thân. Ông đánh giá thế nào về sự dấn thân hiện nay của các nhà báo?

img

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Không ít nhà báo đã dám dấn thân để có những thông tin nóng và đắt giá. Nhà báo không dấn thân thì làm sao có thể quay được cảnh mãi lộ? Có những nhà báo thậm chí còn đóng vai để “chui” vào các tổ chức tội phạm... Nhưng cũng cần phải nói rằng vẫn có những nhà báo không chịu dấn thân. Ví như có một vấn đề nóng của cuộc sống, nghị trường nhưng nhà báo lại thông tin một cách sơ sài, hời hợt.

Nhà báo dấn thân không chỉ có nghĩa là vào những nơi nguy hiểm mà còn là đi tới tận cùng của chính sách, dám lật ra những mặt trái của chính sách. Dấn thân vì thế còn đòi hỏi sự tìm hiểu sâu mà nhà báo phải đọc, học liên tục để hiểu, để thông tin sâu sắc. Nếu viết về mặt thuận của một chính sách thì dễ song phản ứng phụ của chính sách này là gì, những người chịu tác động như chịu phản ứng phụ của thuốc là ai? Có đi đến tận cùng những tác động của chính sách?... Sự dấn thân đó không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, xã hội mà cả sự phát triển của đất nước.

* Dấn thân có thể mang lại nguy hiểm cho nhà báo. Ông nhìn nhận ra sao về những rủi ro mà nhà báo dấn thân có thể gặp phải?

- Nghề báo là một nghề có nhiều rủi ro, càng dấn thân tới tận cùng thì rủi ro càng nhiều. Sự rủi ro hầu như không có nếu chỉ mô tả về mặt thuận của chính sách. Song, nếu đề cập phản ứng phụ, mặt trái của chính sách thì rõ ràng sự rủi ro sẽ gia tăng đáng kể. Bởi thế, khi thông tin để thấy các góc cạnh khác nhau của chính sách, nhà báo cần khách quan, thiện chí và xây dựng. Nhà báo sẽ đi xa hơn trong thông tin về chính sách nếu khách quan, thiện chí và xây dựng, còn nếu chỉ để công kích thì rủi ro sẽ cao hơn.
img
Phóng viên Báo Người Lao Động nhận Giải Báo chí TPHCM lần thứ 30-2011. Ảnh: TẤN THẠNH

Việc đụng chạm tới tham nhũng, tới những nhóm lợi ích luôn có rủi ro, ở nước ngoài cũng vậy chứ không chỉ ở ta. Các nhóm lợi ích có quyền lực luôn phản ứng mạnh khi bị đụng chạm tới lợi ích của họ. Thậm chí, việc thủ tiêu nhà báo cũng có thể là cách mà nhóm này có thể làm khi bị đe dọa lợi ích. Các nhóm xã hội đen, với quyền lực và luật lệ của chúng, cũng có thể phản ứng manh động tương tự khi bị nhà báo phanh phui, lôi ra ánh sáng.

Song vì sự thật, vì một xã hội minh bạch hơn hay quyền thông tin của người dân..., nhà báo vẫn chấp nhận dấn thân và trả giá.

* Thưa ông, qua những trường hợp như phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung ở Lạng Sơn, phóng viên VOV bị đánh ở Văn Giang - Hưng Yên... hay phóng viên Báo Tuổi Trẻ  bị khởi tố, truy tố trong khi báo này cho rằng đó chỉ là sai sót tác nghiệp..., phải chăng việc bảo vệ, khuyến khích nhà báo dấn thân bằng hành động của cơ quan công quyền, tổ chức chính trị - xã hội và luật pháp còn hạn chế?

- Bảo vệ nhà báo trước hết là phải bằng pháp luật. Muốn bảo vệ được bằng pháp luật thì các cơ quan thực thi pháp luật phải rất hiệu năng. Đúng là hiện có những trường hợp các cơ quan công quyền phản ứng chậm trước việc nhà báo bị đánh đập, hành hung. Đó là khuyết điểm của cơ quan công quyền. Luật pháp cũng cần phải minh bạch, rõ ràng để nếu nhà báo làm đúng pháp luật thì không thể xử phạt. Cơ quan nào cũng phải chịu nếu nhà báo làm đúng pháp luật. Không nên để xảy ra chuyện nhà báo làm đúng pháp luật nhưng lại áp dụng cách khác, kiểu khác để trừng phạt.

Các cơ quan tư pháp như tòa án cũng cần rất công tâm, hướng tới công lý. CQĐT có thể khởi tố, đề nghị truy tố nhưng nếu nhà báo chỉ sai sót trong tác nghiệp thì tòa án phải hướng tới công lý để nếu là lỗi thì không thể nâng lên thành tội để xử phạt. Lỗi có thể chỉ chịu hình phạt về hành chính, chứ không nên trừng phạt như tội phạm hình sự.

* Theo ông, làm thế nào để không chỉ bảo vệ mà còn khuyến khích ngày càng thêm nhiều nhà báo dấn thân?

- Trước hết, cần một phong trào truyền thông mạnh mẽ để nâng cao trách nhiệm, đưa các cơ quan pháp luật phải vào cuộc nghiêm túc khi pháp luật trong hoạt động báo chí bị xâm hại. Trong trường hợp hành hung nhà báo thì phải khởi tố, hoặc xử lý hành chính ngay. Thứ hai, Hội Nhà báo phải được thiết kế sao cho ban lãnh đạo hội phải chịu trách nhiệm và bảo vệ được hội viên. Thứ ba, dư luận và người dân có thể tạo ra sức ép rất lớn để bảo vệ nhà báo, vì vậy cần khơi gợi được sức mạnh này. Thứ tư, nhà báo cũng cần có kỹ năng cần thiết trong làm báo để tác nghiệp cũng như bảo vệ bản thân.

Phải tác nghiệp đúng pháp luật

Chức năng của nhà báo là thông tin định hướng xã hội. Muốn thực hiện tốt chức năng đó, nhà báo phải dấn thân, kể cả những nơi nguy hiểm nhất, tất nhiên không phải bằng mọi cách. Nghĩa là nhà báo phải tác nghiệp đúng pháp luật. Nhà báo cũng phải biết tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể xảy ra. Nếu vì thông tin mà không giữ được mình, thậm chí còn ảnh hưởng đến người khác thì không nên. Dấn thân cũng cần tính đến hệ quả cho mình và cho xã hội.

Để bảo đảm sự an toàn khi hoạt động nghiệp vụ, trong từng tình huống cụ thể, nhà báo phải có cách ứng xử linh hoạt khác nhau. Trong chiến tranh, nhiều nhà báo đã dấn thân vào chiến trường để lấy thông tin chân thực, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Đó là sự dấn thân cao quý và luôn được các thế hệ nhà báo trân trọng.

Hà Minh Huệ (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)

Dấn thân là phẩm chất

Dấn thân là nhu cầu cần thiết của các nhà báo nhưng ở mức độ nào còn tùy thuộc hoàn cảnh. Có thể đó là dấn thân đi vào nơi người ta đang cần thông tin nhất hay dấn thân với tư cách công dân. Chẳng hạn, một công dân muốn dấn thân để bảo vệ cái tốt, cái đúng là hình ảnh đẹp; hay đi vào vùng nguy hiểm, chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai... cũng là dấn thân.

Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản nhất là sự dấn thân đó phải mang lại thông tin chính xác và cần thiết nhất cho công chúng. Đó mới là cái khó. Trong quá trình đó, nhà báo phải có kỹ năng tự bảo vệ mình cùng với sự bảo vệ của luật pháp và của người dân. Có người nói phải có cơ chế để khuyến khích nhà báo nhưng tôi cho rằng dấn thân chính là phẩm chất người làm báo. Dấn thân tới đâu chính là thể hiện năng lực và bản chất người làm báo.

Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai)

Ngọc Dung ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo