Về môi trường và khuôn khổ hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của các nhà báo được quy định cụ thể tại điểm đ khoản 1; các điểm c, d và đ khoản 2 điều 15 Luật Báo chí. Tổng quan chung, nhà báo có quyền được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Ngoài ra, điều 7 Luật Báo chí cũng quy định trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Trong quá trình tác nghiệp, nhằm thu thập thông tin, chứng cứ, nhà báo thường phải sử dụng các phương tiện, máy móc kỹ thuật nhằm ghi nhận hình ảnh, giọng nói, tài liệu viết, dữ liệu điện tử, đồ vật, bằng chứng khác... Họ cũng phải trực tiếp gặp gỡ đối tượng, nhân vật để tìm hiểu, xác minh, lấy ý kiến nhằm làm bằng chứng xác thực cho bài viết. Tuy nhiên, như nhiều nước trên thế giới, báo chí là một trong những nghề nguy hiểm nên rất cần việc chuẩn hóa các tiêu chí xác định đâu là ranh giới an toàn cho hoạt động tác nghiệp.
Theo tìm hiểu của tôi, hiện nay, Hội Nhà báo chưa xây dựng được các tiêu chuẩn về quy trình tác nghiệp báo chí nên trong một số trường hợp, khi nảy sinh vấn đề về ranh giới hợp pháp của việc dấn thân của nhà báo thông qua việc đóng giả vai nhằm thâm nhập môi trường, tiếp xúc với các đối tượng tiêu cực cần phanh phui, lại chưa có được chuẩn mực nhằm xác định đúng sai.
Đối chứng với các vụ án hình sự mà tôi trực tiếp tham gia tố tụng, cho thấy trong một số trường hợp, các hành vi tội phạm được phát hiện nhờ những biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, thậm chí người bị sách nhiễu có đơn tố cáo đến cơ quan công an được lập thủ tục ghi nhận sê-ri tiền dự kiến sẽ đưa cho kẻ nhận hối lộ, rồi công an mật phục “bắt quả tang”...
Những trường hợp sử dụng biện pháp nghiệp vụ, đóng giả vai nói trên đa phần đều không bị xử lý hoặc được miễn trách nhiệm hình sự. Do vậy, thực tế thời gian qua, việc đóng giả vai của một số nhà báo dấn thân trong quá trình tác nghiệp báo chí cần được xem xét, đánh giá trong bối cảnh tương tự, để phân định đâu là hành vi tác nghiệp báo chí và đâu là hành vi bị coi là vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, Hội Nhà báo, với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, cần có cơ chế và biện pháp nhằm can thiệp kịp thời đối với những biểu hiện xâm phạm quyền hành nghề của nhà báo, đồng thời có ý kiến phản biện với hoạt động tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà báo khi bị suy đoán có tội từ chính hoạt động tác nghiệp của họ.
Bình luận (0)