Quyết xem tòa xử trắng đen thế nào
Cuối cùng, sự kiên nhẫn của bà con quan tâm vụ án cũng có kết quả. 30 phút sau khi phiên tòa bắt đầu, nhân viên bảo vệ đã đồng ý để hơn 50 người dân được vào bên trong phòng xử án để theo dõi phiên tòa.
Phần lớn những người dân dự phiên tòa xét xử vợ nhà báo Hoàng Hùng đến từ Long An. Nhiều người đã phải nhịn ăn trưa để bám trụ tại tòa, một số trốn cơ quan, bỏ việc nhà để dự tòa.
Bác Nguyễn Thị Kim Nhung (79 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) nói với phóng viên: “Sáng giờ tui bỏ hết việc nhà, lên đây chờ sẵn nhưng rất bực bội vì bị cản trở không cho vào. Một chú công an nói: "chuyện của người ta, bà coi, bà bức xúc làm gì", tui giận lắm. Chúng tôi nãy giờ nói chuyện với nhau ở đây, không ai tin bà Liễu có thể giết chồng một mình. Không ai tin hết. Tui có 7 con trai và chừng ấy con dâu nên tui hiểu không đời nào giữa vợ chồng lại xảy ra tội ác nhắm vào nhau như thế”.
Chú Lê Thúc Hà, một người dân Long An nói: “Chúng tôi ở cách nhà Liễu chừng cây số, quan hệ của người này với ông Tâm như thế nào, chúng tôi biết lâu rồi. Vụ án này không làm rõ vấn đề ông Tâm thì không thể nói là công bằng”.
Một chị trốn cơ quan đến dự tòa đề nghị giấu tên, bức xúc: “Liễu không có chỉ đạo, tiếp tay mà làm được vụ tày trời đó à. Chuyện vô lý”.
Một người đàn ông chỉ tay lên tấm bảng có chữ Tòa án Nhân dân tối cao trên vách tường nói lớn: Tòa án nhân dân, tại sao không cho dân chứng kiến? Phải chăng muốn che đậy sự thật?
Thấy nhiểu người dân vây quanh phóng viên Báo Người Lao Động bày tỏ bất bình không được vào xem xử án, cán bộ bảo vệ tòa đã hội ý và đến 14 giờ thì quyết định cho mọi người vào. Phòng xử thoáng chốc chật kín người, không còn một chỗ trống.
|
HĐXX nhận định theo hướng bị cáo Liễu chỉ vì nợ nần và cờ bạc nên dẫn đến động cơ giết chồng.
Cho đến giờ phút này, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa tìm ra được đồng phạm. Đồng thời nhận định cấp sơ thẩm có một số thiếu sót cần rút kinh nghiệm và cho rằng việc ghi không đúng tên các hội thẩm nhân dân không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án.
Theo HĐXX, hành vi giết người của bị cáo đã rõ nhưng bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như tự thú, lần đầu phạm tội, dù vậy HĐXX vẫn không thể chấp nhận kháng cáo, tuyên y án chung thân.
Được dẫn từ xe tù lên cầu thang tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM lúc 13 giờ 30 phút, bị cáo Trần Thúy Liễu liên tục khóc than.
Luật sư bào chữa cho bà Liễu còn dặn dò: “Lúc nào khóc thì cứ khóc nhé. Khi nào tòa hỏi thì trả lời”.
Được dẫn ra vành móng ngựa, bà Liễu lại tiếp tục rơi nước mắt nhưng không gào thét vật vã như phiên tòa trước.
“Bị cáo bị tội gì”. Chủ tọa hỏi.
Thúy Liễu tiếp tục khóc: “Dạ giết người!”
Tòa hỏi: “Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án thế nào?”
“Dạ chung thân”. Bị cáo Liễu khóc tiếp.
Lúc 14 giờ 5 phút, chủ tọa phiên tòa đọc lại tội trạng bị cáo Trần Thúy Liễu sau phần thẩm vấn nhân thân.
Bị cáo Liễu nghe đọc lại bản án sơ thẩm trong trạng thái bình thản, im lặng chứ không khóc la như tại phiên sơ thẩm ngày 29-3 ở TAND tỉnh Long An.
Bị cáo Liễu cho rằng nhà báo Hoàng Hùng thường đánh đập, không hạnh phúc nên bị cáo bức xúc dùng xăng đốt. Bị cáo không có ý định giết chồng. Tòa chưa có đặt vấn đề bị cáo giết chồng sao bị cáo lại nói giết chồng trước?
“Vợ chồng bị cáo thiếu nợ nhiều lần phải không? Ngoài ra bị cáo còn theo Nguyễn Văn Tâm sang Campuchia đánh bài, đúng không”.
“Dạ có thiếu nợ do xây nhà. Còn việc đánh bài, bị cáo đánh có mười mấy lần hà. Thua có 12 triệu”.
“Theo hồ sơ thì bị cáo có quan hệ bất chính với người đàn ông khác phải không?”.
Bị cáo Liễu ngập ngừng “Dạ đúng”.
“Người đó là ai?”.
“Dạ, dạ…, Nguyễn Văn Tâm”.
Bị cáo đánh bài thiếu nợ. Sâu xa hơn nữa là đốt chồng. Bị cáo đốt chồng có khi nào để thực hiện hành vi khác không?
Thúy Liễu òa khóc: “Dạ không”.
Có khi nào bị cáo tham khảo ý kiến của người này người khác khi giết chồng không? Có ai xúi giục bị cáo không?
Dạ không! Một mình bị cáo à.
“Bị cáo thấy mức án tù chung thân tội giết người như thế nào?”, chủ tọa hỏi.
“Dạ, bị cáo thấy quá nặng”.
Vậy theo bị cáo bao nhiêu năm là tương xứng?”.
Thúy Liễu rên: “Dạ bị cáo không biết nhưng mức án chung thân là nặng quá, bị cáo chỉ mong về với con, bị cáo không có giết chồng”
“Bị cáo có thường xuyên gọi điện, nhắn tin cho ông Tâm không”.
Dạ có nhưng bị cáo không nhớ!
Chủ tọa công bố trước tòa bị cáo Liễu và Tâm có những cuộc gọi dài đến 999 giây.
Chủ tọa hỏi ông Tâm: “Có phải anh và bị cáo Liễu có mối quan hệ bất chính không? Anh đã có vợ chưa?”.
Ông Tâm lí nhí: Dạ tôi có quan hệ bất chính với em Liễu. Dạ tôi cũng đã có vợ.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tâm trước khi phiên tòa bắt đầu
Có khi nào bị cáo tham khảo ý kiến của người này người khác khi giết chồng không? Có ai xúi giục bị cáo không?
Dạ không! Một mình bị cáo à.
Mẹ nhà báo Hoàng Hùng tại phiên tòa phúc thẩm chiều nay
Theo đơn kháng cáo, bà cho rằng vụ án có đồng phạm, bỏ lọt người lọt tội. Vậy theo bà ai là đồng phạm bà biết không?”, chủ tọa hỏi mẹ nhà báo Hoàng Hùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga nói: “Tôi không biết ai là đồng phạm với con dâu tôi. Nhưng tôi thấy CQĐT làm sơ sài, không rõ ràng”.
"Trong vụ án này, TAND Long An đã thẩm vấn rất kỹ, từ CQĐT Công an Long An đến phiên sơ thẩm đều không thể chứng minh được vụ án có đồng phạm nên cấp phúc thẩm xử một mình bị cáo Liễu. Tuy nhiên, vụ án này có thể không dừng lại nếu bà hoặc CQĐT tìm ra được đồng phạm. Và, kẻ đồng phạm đó sẽ được xử lý đúng pháp luật" chủ tọa nhận xét.
“Bị cáo giết chồng vì mục đích gì?”, tòa hỏi bị cáo Liễu.
Dạ bị cáo không có ý giết chồng, chỉ muốn cảnh cáo thôi.
Xăng là chất gây nguy hiểm dẫn đến chết người, bị cáo có hiểu điều đó không?
Dạ bị cáo không biết…
Vị đại diện VKSND tối cao tại phiên tòa hỏi: “Nếu bị cáo giết chồng mà CQĐT không tìm ra thủ phạm thì bị cáo sẽ sống ra sao”. Bị cáo Liễu lại la điệp khúc: “Bị cáo chỉ cảnh cáo thôi”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo hỏi Thúy Liễu: “Mỗi tháng bị cáo được chồng đưa bao nhiêu tiền mỗi tháng?”
Dạ, khoảng 6 triệu.
Vậy đâu có đủ tiền trả nợ ngân hàng, trả nợ bạn bè. Vậy bị cáo đâu có đủ huống chi là chi tiêu gia đình đúng không?
Bị cáo Thúy Liễu lúc được dẫn giải ra
Vị đại diện VKSND Tối cao luận tội lúc 15 giờ sau đúng 1 giờ xét hỏi. Theo đó, VKSND Tối cao cho rằng xử bị cáo Thúy Liễu tội giết người là đúng tội.
“CQĐT trong vụ án này là điều tra khách quan từ nhân chứng đến hiện trường. Không thể nói một cách chung chung hai điểm cháy là mâu thuẫn".
Đại diện VKSND khẳng định đi khẳng định lại nhiều lần Công an Long An làm việc rất khách quan và dẫn ra những lý lẽ gọi là công bằng của vụ án.
Không có căn cứ để nói vụ án có đồng phạm và càng không thể xử oan người khác nên không thể chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại. Nếu gia đình bị hại chứng minh được vụ án có đồng phạm thì cung cấp cho Công an Long An, lúc đó kẻ đồng phạm sẽ được xử lý.
Đối với kháng cáo của Trần Thúy Liễu, vị đại diện VKSND Tối cao cho rằng hành vi của bị cáo Liễu là vô lương tâm, không phù hợp với đạo đức con người. Ngoài ra, mức án chung thân là không nặng so với tội ác mà bị cáo đã gây ra. Mức án chung thân là đã xem xét nên đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Liễu. Đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm.
Ông Nguyễn Văn Tâm trả lời chất vấn của tòa
Bị cáo Trần Thúy Liễu khóc khi được tòa hỏi
Luật sư của bị cáo Liễu chỉ đưa ra những lý lẽ như Hoàng Hùng đánh đập vợ, nợ nần chồng chất, chu cấp chỉ 6 triệu đồng/tháng nên không đủ chi tiêu, dẫn đến bị cáo dùng xăng cảnh cáo…
Bà luật sư còn nói rằng khi Hoàng Hùng nhập viện bị cáo đã tận tình chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, không có bào chữa gì mới hơn để bào chữa nhẹ tội hơn cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cho phía nhà báo Hoàng Hùng cho rằng vụ án có đồng phạm, lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng là chứng cứ nhưng không được đưa vào đầy đủ.
Luật sư cho rằng vụ án đã bỏ lọt người lọt tội, chưa đánh giá đúng tính chất và động cơ vụ án. Đồng thời cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên đề nghị hủy án.
Luật sư thứ hai của đại diện bị hại chất vấn về nội dung những cuộc gọi và tin nhắn không được làm rõ. Ngay từ những ngày đầu, cơ quan điều tra đã không thu thập chứng cứ để rồi nói là dữ liệu không còn…
Ngoài ra, luật sư còn cho rằng việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra có dấu hiệu không phù hợp với pháp luật. Các văn bản của VKSND Long An và cơ quan điều tra Long An cũng có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Luật sư cho rằng bị cáo Liễu chưa trả lời thật sự những câu hỏi của vị đại diện VKSND Tối cao để tìm ra câu trả lời sâu xa nhất của vụ án. Liệu việc bị cáo khai rằng mâu thuẫn gia đình nhưng trước khi vụ án xảy ra vài giờ thì còn mua thuốc cho chồng, còn kêu chồng vào ngủ chung… Câu trả lời do mâu thuẫn có đúng đắn không? Câu hỏi này vẫn còn bỏ lửng và chưa tìm ra lời giải thích chính đáng.
Nhiều người dân không vào xem được vì phòng xử không còn chỗ
Luật sư cho rằng hồ sơ vụ án còn nhiều điều mờ ảo, không rõ ràng, khách quan và công bằng như vị đại diện VKSND Tối cao đã khẳng định khi luận tội.
Luật sư đặt vấn đề vụ án được cả xã hội quan tâm, gia đình bị hại đau khổ triền miên.
Luật sư nói: “Tôi biết HĐXX cấp phúc thẩm cũng chịu nhiều áp lực nhưng với tinh thần thượng tôn pháp luật, lẽ công bằng, tôi mong HĐXX xem xét lại hồ sơ để tránh lọt người lọt tội”.
Vị luật sư của bị cáo Liễu đồng tình với quan điểm của đại diện VKSND Tối cao khi cho rằng vụ án không có đồng phạm, điều tra và xét xử công bằng, khách quan. Ngoài ra, bà còn nói với mẹ nhà báo Hoàng Hùng: “Đừng chạy theo dư luận mà nói rằng vụ án có đồng phạm, hãy dành tình thương nhiều hơn đối với con dâu…”.
Luật sư của mẹ nhà báo Hoàng Hùng không đồng tình với đại diện VKSND khi cho rằng chỉ tìm ra những chi tiết sai nhỏ nhặt và yêu cầu tranh luận thêm một số vấn đề luật sư đặt ra. Tuy nhiên, vị đại diện VKSND Tối cao lại áp đặt cho rằng không có vi phạm tố tụng và luôn khách quan, công bằng.
Ở lời nói sau cùng, bị cáo Liễu sướt mướt nhưng vẫn không quay lại: “Con ngàn lần xin lỗi má, con lạy má, con không có giết chồng. Con mong má tha thứ để con sớm trở về với các con. Mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm được trở về…”.
Lúc 15 giờ 49 phút, tòa tuyên bố tạm nghỉ để nghị án và sau đó tuyên y án sơ thẩm với mức án chung thân dành cho bị cáo Trần Thúy Liễu.
Bình luận (0)