Bị cáo Trần Thúy Liễu được đưa đến tòa trong vòng vây phóng viên với hàng chục chiếc máy ảnh nhắm đến, bà thở dài, nhấp nhổm không yên. Vậy mà ngoài việc khóc thút thít, con dâu bà không hề quay sang nhìn mẹ và người em trai của chồng cho đến khi được nói lời nói sau cùng, bị cáo mới quay xuống mẹ chồng nói lời xin lỗi, như thường thấy trong các phiên tòa. Vô tình đến thế sao?
Bà Nguyễn Thị Kim Nga. Ảnh: QUANG LIÊM
Nghe HĐXX đọc bản án kể lại hành vi phạm tội của con dâu, bà kéo chiếc khăn rằn chậm nước mắt: “Chẳng thà con tôi gặp tai nạn chết, đằng này...’’ - bà nghẹn ngào. Vị chủ tọa hỏi bà kháng cáo với lý do bỏ lọt tội phạm, vậy bà có biết ai là đồng phạm không? Bà chỉ biết lắc đầu: “Tôi không phải là CQĐT...”. Một câu hỏi quá khó cho một bà mẹ nông dân (vợ liệt sĩ) đã gần 80 tuổi đang mang nỗi đau mất con như bà.
Vậy mà, khi còn chưa kịp bình tâm lại, bà lại tiếp tục nghẹn đắng lòng khi nghe luật sư bào chữa cho bị cáo nói rằng: “Nợ nần phát sinh từ việc mua đất xây nhà. Bị cáo tuy có thỉnh thoảng qua Campuchia đánh bạc nhưng chỉ mới thua... 12 triệu đồng. Gia đình rơi vào khó khăn tài chính trầm trọng, gánh nặng bị chủ nợ đòi đè lên đôi vai bị cáo. Trong lúc khó khăn như vậy, anh Hùng chẳng làm gì để động viên vợ mình... Có gì đau đớn hơn cho người phụ nữ khi sống trong gia đình bị bạo lực và khinh rẻ...? Anh Hùng cũng là người có lỗi...”.
Nghe luật sư nói, bà trân trối nhìn. “Con tôi không phải là người như vậy. Người chết rồi làm sao có thể nói gì được nữa? Còn tôi, muốn nói cho con cũng có được phép đâu?” - bà lại rơi nước mắt. Cho đến tận hôm nay, bà vẫn luôn gọi người đã giết con trai mình là “con dâu”, nào có lớn tiếng buông lời mắng nhiếc, oán hận? Lẽ nào, như thế vẫn chưa đủ sao?
Bình luận (0)