Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 23-6, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã đi vào nề nếp, kịp thời, rõ ràng, song trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề cần được xem xét.
Lúng túng, né tránh
Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Hà Nội, cần đưa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước vào quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Theo ông Động, thường thì người phát ngôn ở các cơ quan hành chính Nhà nước là chánh văn phòng, không được tham gia vào các vụ việc nhạy cảm, không được người có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Chưa chuyên nghiệp, chưa đủ thẩm quyền
Việc cung cấp thông tin định kỳ khiến những yêu cầu về nội dung mà báo chí cần có ý kiến ngay không được đáp ứng, ảnh hưởng đến tính thời sự của vấn đề. Việc cung cấp thông tin dồn cho một người, trong khi đó người phát ngôn không nắm và bao quát hết các vấn đề thì phóng viên khó tiếp cận nguồn tin; còn những người có chuyên môn có thể cung cấp thông tin cho báo chí cho rằng mình không phải là người phát ngôn chính thức nên từ chối cung cấp thông tin hoặc ngại cung cấp thông tin.
Đại diện Bộ Công Thương đề nghị người phát ngôn ở cơ quan bộ nên là thứ trưởng và chuyển từ chuyên nghiệp lên chuyên trách mới có đủ thẩm quyền, thời gian xử lý thông tin và cung cấp thông tin cho báo chí.
Ông Phạm Đức Hải, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho rằng cái được của quy chế phát ngôn là giúp nhà báo tránh chạy lòng vòng, tránh được sai sót. Trong nhiều cái chưa được thì cái chưa được cần lưu ý nhất là quy chế chưa mở rộng về phía cơ sở. Cần có quy chế phát ngôn cho các sở, ban, ngành, quận, huyện để báo chí dễ tiếp cận và phản ánh thông tin chính xác, chân thực hơn.
Đổi mới quy chế về người phát ngôn Tại hội nghị, Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra dự thảo quyết định ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mới thay thế cho Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg.
Theo dự thảo này, các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì vẫn có quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin...
Trong trường hợp này, người cung cấp thông tin cho báo chí phải cùng chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trên báo chí. Quy chế cũng quy định việc xử lý vi phạm nếu người phát ngôn không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định trong quy chế. |
Bình luận (0)