Sau 18 giờ, không khí ở khu chợ gần Khu Du lịch Suối Tiên nhộn nhịp hẳn bởi đó là giờ công nhân (CN) tan ca. Lẫn trong đám đông đi mua sắm là những chiếc áo CN vừa tan ca đang lui cui dọn hàng ra bán cùng với các tiểu thương khác.
“Tiền lương chỉ đủ để vợ chồng tôi xoay xở chi phí đắt đỏ ở TP nên việc dành dụm hoặc gửi về quê cho cha mẹ đối với những CN đã lập gia đình và có con nhỏ như tôi là rất khó khăn. Tôi làm thêm công việc bán hàng cũng chỉ để kiếm thêm ít tiền phòng khi vợ con đau ốm…”- anh Phạm Văn Thắng, CN Công ty Dệt may Việt Thắng - TPHCM, nói.
Gồng mình vượt khó
Anh Thắng (33 tuổi) cho biết đầu năm 2011, anh quyết định vay 10 triệu đồng của bạn bè để mua quần áo từ chợ đầu mối về bán. Hằng ngày sau khi tan ca, anh mang hàng ra bán ở khu chợ gần Suối Tiên. Thời gian đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do là “lính mới” nên cạnh tranh không nổi với những người đã bán lâu năm.
Một công nhân làm thêm bằng cách bán quần áo tại khu chợ gần Khu Du lịch Suối Tiên. Ảnh: THANH NGA
Nhiều hôm không bán được gì mà còn bị phạt vì lấn chiếm lòng lề đường. “Lương tháng của hai vợ chồng được 5 triệu đồng, sinh hoạt phí mỗi tháng cũng “ngốn” gần hết tiền lương, có thêm con nhỏ thì không biết xoay xở ra sao. Tôi bán quần áo cũng kiếm thêm được hơn 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này vợ chồng tôi để dành những lúc ốm đau hay có việc đột xuất” - anh Thắng tâm sự.
Vì hoàn cảnh gia đình, chị Trần Thị Thu, CN Công ty Sơn Tùng, quận Thủ Đức - TPHCM, cũng rời quê ở Thừa Thiên - Huế vào TPHCM làm CN từ năm 2009. Dù chăm chỉ làm việc nhưng với đồng lương ít ỏi chị vẫn không cáng đáng được 3 người em đang tuổi ăn học và cha mẹ già ở quê. Được người quen giới thiệu, chị quyết định lấy quần áo về chợ gần nhà để bán.
Chị Thu chia sẻ: “Trước khi bán quần áo, phải mấy tháng tôi mới dành dụm được ít tiền gửi về cho gia đình. Vì mấy đứa em đang còn ăn học ở quê, tôi đánh liều vay 6 triệu đồng để lấy quần áo sỉ về bán. Sau khi tan ca, tôi mang hàng ra chợ bán, mỗi tháng cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng để gửi về cho gia đình”.
Cật lực tăng ca
Không vất vả tìm kiếm công việc ngoài giờ, nhiều CN chấp nhận tăng ca liên tục để có thêm thu nhập. Chị Dương Thị Xà Rương (quê Sóc Trăng), CN Công ty Quốc Du, quận Bình Tân - TPHCM, cho biết chị mới lên TP làm CN được hơn một tháng, tiền lương chính thức còn rất thấp (2 triệu đồng/tháng) nên chị phải tranh thủ tăng ca cả tuần để có thêm thu nhập.
Chỉ trừ chủ nhật, các ngày trong tuần, chị Rương đều làm việc đến 21 giờ. Chị tâm sự: “Chồng tôi bệnh hoạn nên đã về nhà cha mẹ sống, một mình tôi làm ruộng không đủ nuôi con nên đành gửi cháu cho ông bà chăm sóc rồi lên TP làm việc, kiếm tiền gửi về quê. Lương chính thấp quá nên tôi phải ráng tăng ca để có thêm thu nhập. Cũng cực nhưng vì con nên phải ráng”.
Cũng giống như chị Rương, chị Nguyễn Thị Bích Trân (quê Cà Mau, CN Công ty Việt Giai Thành, quận 8 - TPHCM) cũng luôn cố gắng tăng ca và nâng cao năng suất để có thêm tiền gửi về quê phụ cha mẹ nuôi em ăn học. “Công ty tính lương theo sản phẩm nên CN nào làm nhiều thì sẽ hưởng nhiều. Tôi làm theo ca 12 giờ (từ 6 giờ đến 18 giờ) và xen kẽ tuần làm ngày, tuần làm đêm. Mỗi tháng cũng được 4,5 triệu đồng. Vất vả nhưng tôi cũng quen rồi”- chị Trân nói.
Vì con
Từ ngày chồng mất, chị Hoàng Thị Tố Trinh, CN Công ty May mặc Thời trang, quận Thủ Đức, một mình nuôi con và chăm sóc mẹ già nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Ngoài công việc ở công ty, chị Trinh còn nhận thêm hàng gia công (kết nơ, kết cườm) về nhà làm. Ngày nào cũng vậy, sau giờ làm việc và cơm nước cho con xong, chị tranh thủ làm thêm khoảng 3 - 4 giờ. Có khi chị còn mang vào công ty, tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm. Chị Trinh tâm sự: “Mỗi ngày, tôi đều ráng làm được 400 cái thì cũng kiếm thêm được 12.000 đồng. Như vậy đến cuối tháng, tôi cũng có thêm hơn 300.000 đồng để lo cho con”. |
Bình luận (0)