Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì chứng cứ trong vụ án hình sự được xác định bằng “… lời khai của người làm chứng, người bị hại…”.
Trong vụ án này, nhà báo Hoàng Hùng là người bị hại. Vì vậy, lời khai của anh khi còn sống là một trong những nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá trong quá trình chứng minh tội phạm cũng như người thực hiện hành vi phạm tội.
Một khi đã xác định lời khai của người bị hại là một trong những nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án thì theo quy định của pháp luật tố tụng, tất cả các lời khai của họ về vụ án đều phải được đưa vào hồ sơ một cách đầy đủ, toàn diện. Không có bất kỳ một quy định nào cho phép CQĐT, VKS hay tòa án, có quyền gạt bỏ những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được vì lý do bản thân các cơ quan này nhận thấy các tài liệu đó không liên quan đến vụ án.
Bởi lẽ, việc đánh giá chứng cứ không phải là độc quyền của một cơ quan hay người tiến hành tố tụng nào, mà đó là cà một quá trình bao gồm nhiều cơ quan, nhiều người tiến hành tố tụng. Kể cả người tham gia tố tụng (luật sư).
Như vậy, hành vi không đưa vào hồ sơ vụ án một số tài liệu là lời khai của người bị hại do chính CQĐT thu thập trước đó (khi nhà báo Hoàng Hùng còn sống) đã có dấu hiệu cấu thành tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo quy định tại Điều 300 BLHS.
Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng tôi sẽ so sánh quá trình thu thập chứng cứ của CQĐT qua hai hình thức: Băng ghi âm và văn bản viết.
Chúng ta đều biết, nội dung băng ghi âm được thể hiện qua hình thức “hỏi – đáp” giữa cán bộ điều tra và người bị hại là nhà báo Hoàng Hùng.
Như vậy, trong trường hợp này, về mặt nội dung cũng như giá trị chứng cứ của tài liệu, hoàn toàn không có sự khác nhau nào giữa băng ghi âm và các “biên bản lấy lời khai” của người bị hại.
Từ đây, vấn đề đặt ra là, nếu nhà báo Hoàng Hùng có đủ sức khỏe để trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra dưới hình thức văn bản viết là các “Biên bản ghi lời khai”. Và các “Biên bản ghi lời khai” này, được đánh số bút lục từ 01 đến 12 (gồm 12 bút lục) để lưu vào hồ sơ vụ án.
Thế thì, việc loại bỏ một số lời khai, bút lục đó có phải là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án hay không?
Rõ ràng, nếu chúng ta xem đây là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án thì việc gạt bỏ một số nội dung trong băng ghi âm ra khỏi hồ sơ vụ án cũng là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mà không thể biện minh với bất kỳ một lý do gì.
Bình luận (0)