* Phóng viên: Thưa ông, việc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam phải chăng là bước đi tiếp theo trong tham vọng biến biển Đông thành ao nhà theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc?
- Ông Trần Công Trục: Sau khi CNOOC thông báo mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có phản ứng và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ việc mời thầu bất hợp pháp này. Tới đây, việc làm tối quan trọng của Việt Nam là phải xác định rõ mục đích và ý đồ của Trung Quốc.
Một giàn khoan ngoài biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ảnh: HỒNG LÊ
* Nếu Trung Quốc bất chấp luật pháp và đạo lý để thực hiện việc mời thầu thì Việt Nam phải có hành động cụ thể như thế nào?
- Trước hết, cần khẳng định khu vực mà CNOOC mời thầu không phải là vùng tranh chấp mà nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Vì thế, khi có sự xâm phạm đến khu vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì chúng ta có đủ quyền xử lý theo đúng luật pháp Việt Nam và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Cụ thể, trong trường hợp phía Trung Quốc tiến hành việc thăm dò, khai thác hay xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam thì các lực lượng chức năng của chúng ta có quyền bắt giữ, lập biên bản và đưa ra tòa xét xử…
* Như vậy, Việt Nam cần chủ động đối phó để không lúng túng trước các bước tiến mới của Trung Quốc?
- Đúng vậy. Một mặt, chúng ta cần tuyên truyền để cộng đồng quốc tế cũng như chính người dân, học giả và những lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ, đúng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, các công ty dầu khí quốc tế càng phải được hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam tại nơi mà CNOOC mời thầu một cách bất hợp pháp và phi lý.
“Đường lưỡi bò” là rất vu vơ Theo TS Trần Công Trục, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 nêu rõ: Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không có quyền vạch đường cơ sở để bao trùm toàn bộ những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bên cạnh đó, tính từng đảo một, hầu hết là rất bé, rất khó khăn về môi trường và điều kiện sinh sống... nên không thể có đời sống kinh tế như bình thường. Vì vậy, các đảo này không có quyền mở rộng 200 hải lý. Điều này có nghĩa là những cơ sở mà Trung Quốc đưa ra về thềm lục địa đối với những quần đảo này đến 200 hải lý là rất vô lý. “Trung Quốc vạch ra “đường lưỡi bò” là rất vu vơ khi không đưa ra bất kỳ tọa độ nào và cũng không thấy khoảng cách từ đâu đến đâu” - ông Trục khẳng định. |
Bình luận (0)