Các trang web âm nhạc do Nhà nước quản lý này công khai đăng tải các bài hát chưa cho phép hoặc cấm phổ biến
Ít ai biết bài hát bị thu hồi
Ca khúc Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương được ca sĩ Vi Thảo sử dụng trong album chỉ là một trong nhiều trường hợp sập “bẫy” nhạc xưa của ca sĩ thời gian qua. Dù bài hát Tàu đêm năm cũ được cấp phép phổ biến trên toàn quốc theo Quyết định số 681, do Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên ký ngày 29-11-2011 nhưng trong bản nhạc giấy vẫn in đầy đủ ca từ đủ để nhà sản xuất và ca sĩ nhận ra có liên quan đến lính chế độ cũ, được liệt vào danh sách ca khúc cấm phổ biến. Về lý, ca khúc được cấp phép phổ biến thì ca sĩ được quyền sử dụng sản xuất chương trình, nhưng khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn- cơ quan cấp phép nhận ra quyết định của mình là sai và sửa sai bằng quyết định thu hồi thì phần thiệt hại thuộc về ca sĩ.
Có nhiều ca khúc nhạc xưa đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép phổ biến trên toàn quốc nhưng sau đó phải ra quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến như: Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ - Lê Dinh); Còn chút gì để nhớ (Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định); Cánh buồm chuyển bến (Lê Dinh - Hoài Linh); Ai biểu anh làm thinh (Trầm Tử Thiêng); Rừng xưa (Lam Phương); Tình bơ vơ (Lam Phương); Hạnh phúc đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ); Tàu đêm năm cũ (Trúc Phương)... Trong số đó, có những ca khúc phần ca từ ít nhiều có liên quan đến lính chế độ cũ nhưng có những ca khúc chỉ nói về tình yêu đôi lứa không có một chút biểu hiện gì đến chính trị như Ai biểu anh làm thinh, Tình bơ vơ vẫn thuộc bài hát có quyết định thu hồi hoặc tạm ngưng phổ biến. Điều đáng nói là những bài hát này sau khi được cơ quan chức năng cấp phép phổ biến đã được các ca sĩ ghi âm và sản xuất CD, nên dù có quyết định thu hồi hay tạm ngưng thì sản phẩm ghi âm này đã được đưa lên mạng, được phổ biến qua phương tiện nhạc số. Nhiều ca sĩ thấy vậy cứ nghiễm nhiên sử dụng mà không hay biết những ca khúc này đã có quyết định thu hồi hay tạm ngưng.
Nơi siết, nơi “thả cửa”
Nếu những ca khúc vừa nêu không được phép phổ biến trên sân khấu, sản xuất đĩa nhạc sau khi có quyết định thu hồi thì nó được phổ biến rộng rãi trên các website âm nhạc do ngành thông tin truyền thông quản lý như: nghenhac.info,mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net, nhac.vui.vn… Trên trang nghenhac.info, do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép, còn ghi rõ “Hệ thống âm nhạc trên website nghenhac.info được sự bảo trợ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”.
Những nhà sản xuất chương trình đĩa nhạc và tổ chức biểu diễn than rằng cùng một Nhà nước quản lý nhưng các website âm nhạc thì được tự do khai thác, phổ biến không chỉ nhạc chưa cấp phép phổ biến mà còn khai thác và kinh doanh cả những bài hát chống cộng, cấm phổ biến dưới mọi hình thức. Nhaccuatui.com làm thành những tuyển tập nhạc vàng với đủ các bài hát đang cấm phổ biến: Cô láng giềng, Tha La xóm đạo, Phố đêm, Tiếng còi trong sương đêm, Chuyện dàn thiên lý, Bông cỏ may, Chuyến tàu hoàng hôn,... qua các giọng ca Chế Linh, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Phương Dung, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Đình...
Người nghe nhạc hôm nay chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm của các trang nghenhac.info, mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net, nhac.vui.vn… sẽ dễ dàng tìm nghe và chuyển tải cho nhiều người cùng nghe những bài hát cấm phổ biến: Chuyện một chiếc cầu đã gãy, Sương trắng miền quê ngoại, Rừng lá thấp, Trăng tàn trên hè phố, ... với rất nhiều giọng ca khác nhau: Thanh Tuyền, Phương Dung, Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Trường Vũ, Phi Nhung…
Thanh tra ngơ ngác!
Chiều 29-6, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng Phòng Thanh tra Báo chí và Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông, tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin các trang web âm nhạc do bộ này quản lý có đăng tải các bài hát cấm phổ biến do phóng viên cung cấp. Ông Huy Toàn cho hay sẽ kiểm tra lại các trang web này, nếu phát hiện vi phạm sẽ mời lên làm việc và xử phạt hành chính, yêu cầu dỡ bỏ các ca khúc chưa được phép phổ biến.
Sáng 29-6, bà Trần Thị Ngọc Hương, Chánh Thanh tra Sở Thông tin- Truyền thông, cho biết cơ quan này đã kiểm tra và xử phạt một số website âm nhạc nói trên trong năm 2010. Sắp tới, thanh tra sẽ kiểm tra và xử lý một số trang web, nếu có sai phạm sẽ xử phạt theo luật định.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng các website âm nhạc đăng tải bài hát cấm phổ biến đã được báo chí nêu ra nhiều lần (trong đó có Báo Người Lao Động) nhưng không thấy các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý.
Sai sót do không am hiểu Lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết về nguyên tắc, sau khi có đơn đề nghị của đơn vị sử dụng xin cấp phép phổ biến, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật của cục. Các thành viên này sẽ nghe, xem, đọc, phân tích và cho ý kiến đối với ca khúc. Nếu thấy cho phép phổ biến được thì có biên bản, sau đó căn cứ vào biên bản đó để ra quyết định cho phổ biến. Tuy nhiên, có một bất hợp lý ở đây là trong điện ảnh, hội đồng duyệt gồm nhiều thành viên đến từ các đơn vị khác nhau chứ không chỉ là các chuyên viên của Cục Điện ảnh. Riêng đối với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, hội đồng thẩm định không có sự tham gia của đại diện cơ quan an ninh văn hóa hay phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chính vì vậy hội đồng thẩm định không đánh giá hết được các vấn đề xung quanh ca khúc được thẩm định nên đã xảy ra các trường hợp sai sót. |
Bình luận (0)