Về thăm nhà dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch), chị Đoàn Kim Chi quê ở Đồng Tháp than thở: “Từ đầu năm đến giờ, lương của chúng tôi ngày càng giảm sút. Đã vậy, công ty còn đòi cắt giảm lao động. Tôi thấy rất lo, sắp tới chắc phải nghỉ việc về quê kiếm chuyện khác làm, ở TPHCM giờ khó sống quá”.
Không trụ nổi vì lương thấp
Chị Kim Chi hiện là công nhân của một công ty may đóng ở huyện Bình Chánh - TPHCM. Hơn 2 năm làm việc, tuy mức lương không cao nhưng chị đều dành dụm gửi về quê cho chồng, con.
Nhưng từ đầu năm đến nay, khi hợp đồng gia công của công ty bị cắt giảm thì mức lương của chị cũng giảm theo. Thậm chí, có lúc công ty còn trả lương không đúng hạn. “Ở TP giá cả sinh hoạt đắt đỏ, mỗi thứ mỗi tốn tiền, trong khi tiền lương đã không tăng mà còn giảm. Chưa lúc nào khó khăn như lúc này”- chị Chi tâm sự.
Lao động ngành may mặc, giày da là nhóm ngành có nguy cơ cắt giảm nhân lực nhiều nhất. Ảnh: VĨNH TÙNG
Còn chị Nguyễn Kim Hiền vốn làm công nhân Công ty Da giày G.Đ đóng tại quận Thủ Đức - TPHCM cũng quyết định nghỉ việc về quê ở Tiền Giang. Chị Kim Hiền cho biết: “Nếu như trước đây, chúng tôi thường tăng ca để có thêm thu nhập thì hiện nay nhu cầu này không còn. Nhiều khi lãnh lương chỉ hơn 2 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà, tiền điện, nước cứ tăng liên tục. Chính vì thế, tôi quyết định nghỉ việc về quê làm giúp việc gia đình, tiền lương cũng chỉ 2 triệu đồng/tháng nhưng dễ sống hơn”.
Doanh nghiệp cắt giảm lao động
Thời gian qua, do kinh tế suy thoái nên nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, nhất là các ngành chế biến, sản xuất. Theo đó, việc tinh giản bộ máy nhân sự cũng diễn ra khiến nhiều lao động mất việc làm.
Tại Công ty Chế biến gỗ Phú Long Tân (Bình Dương), hiện chỉ còn khoảng 10 lao động trong tổng số gần 100 người làm việc trước đây. Ông Nguyễn Quảng, giám đốc công ty, than thở: “Do đơn hàng xuất khẩu giảm, cộng vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành nên công ty không thể giữ được lao động. Đó cũng là lý do khiến công ty thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực”.
Còn tại Công ty CP Dệt may Thành Công (TPHCM) có đến 650 lao động nghỉ việc trong 6 tháng qua. Tương tự, Công ty Onamba (Bình Dương) đầu năm đến nay cũng đã có 200/700 lao động nghỉ việc. Ông Nguyễn Hoàng Anh, phụ trách tuyển dụng Công ty Onamba, cho biết: “Nếu như những năm trước lao động thường nghỉ việc sau Tết thì năm nay, đến quý II mới có nhiều biến động. Người lao động nghỉ việc thường trở về quê vì thu nhập ở đó cũng tương đương nhưng giá cả sinh hoạt lại rẻ hơn”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm 15,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Giảm nhân lực nhiều nhất là lao động phổ thông.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động có dấu hiệu giảm cầu nhưng lao động có tay nghề vẫn thiếu hụt. Điều đáng lưu ý là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vẫn không tìm được việc làm, trong khi người học nghề ra trường rất dễ tìm được việc làm với mức lương phù hợp và thành công với nghề.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2012, TPHCM cần 135.000 lao động. Trong đó nhu cầu lao động trong các KCX-KCN TP là 30.000 người.
(Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM) |
Bình luận (0)