“Cò” công khai móc nối với người khám bệnh ngay trước cổng Bệnh viện Da liễu - TPHCM. Ảnh: Anh Thư
Hoạt động công khai
Tại Hà Nội, hầu hết BV lớn đều có “cò” hoạt động, như: Mắt Trung ương, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, K, Việt Đức, Xanh Pôn, 108… Ông Bùi Công Toàn, Phó Giám đốc BV K, cho biết hằng ngày, tại cổng BV luôn có 5-7 “cò” để tiếp cận và dẫn dắt bệnh nhân. Dù cố gắng đến đâu, BV cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chính, BV Việt Đức, cũng bày tỏ phía ngoài BV, “cò” hoạt động rất nhộn nhịp, bức xúc nhất là các đội xe cứu thương mượn danh BV để “chặt chém” người bệnh. BV biết nhưng không quản được. Còn ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản, lo ngại gần đây, các vụ tai biến sản khoa được nói đến nhiều đã khiến không ít sản phụ lo lắng càng đổ về các BV tuyến Trung ương vì thế “cò” càng có đất để lộng hành. “Tại một số cổng của BV Bạch Mai, “cò” còn in danh thiếp “tiếp thị”, giới thiệu rất cụ thể: “Đáp ứng được mọi nhu cầu khám nhanh, sớm, mua thuốc xịn… cho người bệnh”- đại diện BV Bạch Mai dẫn chứng.
Theo lãnh đạo nhiều BV, một trong những lý do khiến “cò” có đất sống là do chế tài xử phạt “cò” chưa đủ mạnh nên dù cơ quan công an có bắt “cò” buổi sáng thì buổi chiều “cò” lại tới BV để “hành nghề”. “Công việc “bắt” và “thả” “cò” cứ lặp đi lặp lại nên cơ quan chức năng cũng có lúc buông xuôi - ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, phân trần.
Ông Vũ Bá Quyết cho biết “cò ngoại” (lực lượng ngoài BV) thì hoạt động công khai, thách thức cả công an. Còn “cò nội” (nhân viên y tế) lại hoạt động rất tinh vi nên BV khó kiểm soát. “Thậm chí “cò” là chính những cán bộ BV về hưu, ngày nào cũng đưa “người nhà” đến khám, gây khó khăn cho công tác quản lý BV…” - ông Quyết phàn nàn.
Bác sĩ “bắt tay” với “cò”?
Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), thừa nhận vấn nạn “cò” không chỉ gây mất trật tự BV, giảm chất lượng khám - chữa bệnh, tha hóa cán bộ nhân viên, bệnh nhân tiền mất tật mang mà còn làm giảm lòng tin vào y đức của bác sĩ.
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết với “cò ngoại” có thể BV không quản được, nhưng “cò nội” là nhân viên của BV thì lãnh đạo BV phải xử lý thích đáng. “Để đối phó với “cò ngoại” chỉ có cách quản lý sổ khám của bệnh nhân bằng máy tính, vì “cò” có hoạt động cách nào cũng không thay đổi được vị trí khám của bệnh nhân trong máy tính”- ông Hải gợi ý.
Không kiên quyết với nhân viên vi phạm Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thẳng thắn: “Hoạt động “cò mồi” đều liên quan đến nhân viên y tế nhưng chưa thấy BV nào báo cáo có nhân viên vi phạm. Nhiều năm nay vẫn chưa thấy báo cáo xử lý trường hợp cán bộ, y - bác sĩ nào có liên quan đến nạn “cò mồi?”. Ông Quang đề nghị trách nhiệm của giám đốc BV phải được nâng cao hơn nữa, phải xử lý, kỷ luật nếu nhân viên vi phạm, không thể để tình trạng năm nay ngồi bàn bạc các nguyên nhân và biện pháp chống “cò” BV nhưng đến năm sau vẫn nhắc lại đúng những câu chuyện của năm cũ. Đáng buồn hơn nữa là dù “cò” nhan nhản ở các BV, hoạt động công khai nhưng cuối năm BV nào cũng đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện. Ông Phạm Đức Mục cho biết tới đây, Bộ Y tế sẽ yêu cầu Giám đốc các BV có hình thức xử lý thích hợp, phạt cả chuyên môn, uy tín, tài chính đối với nhân viên y tế vi phạm, tiếp tay cho “cò”. Bộ Y tế cũng sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất các BV. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2012, giải quyết tình trạng “cò” BV sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng BV. |
Bình luận (0)