Dư luận này xuất phát từ thực tế chênh lệch lãi suất huy động – cho vay vẫn ở mức cao, một số NH công bố lợi nhuận “khủng” và những mức lương “khủng” của một số vị trí lãnh đạo vẫn không thay đổi trong khi cả nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy giảm.
Chưa có số liệu để phân tích dư luận này có quá đáng đối với NH hay không nhưng để cứu DN và cũng là cứu chính NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các NH đồng loạt giảm lãi suất cho vay cũ về mức tối đa 15%/năm, các khoản vay mới thì áp theo mặt bằng lãi suất hiện tại.
Đồng thuận với chủ trương này nhưng lãnh đạo nhiều NH vẫn băn khoăn không biết có đẩy được vốn ra nền kinh tế hay không vì DN đang bí đầu ra mà không bán được hàng thì không ai vay tiền để làm gì. Hơn nữa, tỉ lệ nợ xấu đang tăng cao, tháng sau cao hơn tháng trước, buộc các chủ NH phải rất thận trọng khi phê duyệt hợp đồng tín dụng...
Mặc dù lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay đã giảm liên tục 4 lần nhưng các DN vẫn tiếp tục kỳ vọng vào một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn nữa. Đã hết quý II nhưng tăng trưởng tín dụng mới chuyển từ cực âm sang cực dương, chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Từ chỗ mặc cả lãi suất để vay vốn, DN đang “lật ngược thế cờ” chuyển sang mặc cả lãi suất để trả nợ. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), than bên cạnh các DN khó khăn thực sự không có điều kiện trả nợ cũng có trường hợp DN chây ì. Bà kể: Khi tổ tư vấn của NH giám sát tháo gỡ khó khăn cho DN thì mới biết hóa ra DN có tiền nhưng viện cớ khó khăn chưa muốn trả. Hoặc có DN đang vay lãi suất 24% đầu tư bất động sản, NH giảm xuống 20% vẫn không thu được nợ. DN mặc cả sẽ trả tiền nếu lãi suất giảm xuống một nửa nhưng ngay cả khi SeABank đưa lãi suất về 12%, DN lại bảo “để suy nghĩ thêm”!...
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đã được điều chỉnh từ mức 15% xuống còn 10% nhưng hết 6 tháng, cộng cả giấy tờ có giá mới “tiêu” được 1,4%… Nếu DN, NH tiếp tục so bì lợi ích, đây có thể sẽ là một trong những nguyên nhân cản trở nguồn vốn thẩm thấu vào nền kinh tế.
Bình luận (0)