Đại diện cơ quan chức năng đang kiểm tra một cơ sở khám chữa bệnh của người Trung Quốc tại TPHCM. Những phòng khám này thời gian qua được nhiều phương tiện truyền thông “tích cực” quảng cáo. Ảnh: Nguyễn Thạnh
Giá đền bù chưa hợp lý
Các hộ dân tại tổ 82, 89 (phường 2, quận Tân Bình) là diện giải tỏa của dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi đề nghị lãnh đạo TP cần đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi giá bồi thường và việc sắp xếp tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng bằng đất nền chưa hợp lý. Cử tri quận 9 kiến nghị TP xem xét lại việc áp giá đền bù một số dự án chưa hợp lý, gồm dự án thu hồi đất tại khu phố Phước Hiệp, dự án mở rộng lâm trại Suối Tiên, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Cử tri cũng thắc mắc “diện tích thu hồi đất của khu công nghệ cao nằm ngoài tường rào 30 m được phê duyệt để làm gì? Đề nghị có văn bản trả lời cho người dân liên quan được biết”.
Cử tri quận Tân Bình cho rằng dự án xây dựng sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là không mang lợi ích toàn dân, chỉ mang tính kinh doanh, gây ô nhiễm nguồn nước, an toàn bay không được bảo đảm nên người dân không đồng tình với việc xây dựng dự án này. “Đề nghị TP tiếp tục kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét tính khả thi của dự án” - cử tri đề nghị. Đông đảo cử tri vốn là người dân quận 1 bị giải tỏa của dự án 289 Trần Hưng Đạo và 74 Hồ Hảo Hớn, nay đang tạm cư ở lô E chung cư Bàu Cát II (phường 10, quận Tân Bình) đề nghị HĐND TP có ý kiến vì đến nay đã 7 năm nhưng vẫn phải tạm cư ở phường 10, quyền lợi của họ sẽ ra sao?
Thi công tắc trách, công trình xuống cấp
Cử tri quận 9 phản ánh dự án khu công nghệ cao, khi san lấp mặt bằng, đơn vị thi công đã lấp luôn các hệ thống thoát nước của khu dân cư, gây ngập úng cục bộ khi có mưa, người dân phải dùng máy bơm để rút nước tràn vào nhà. Người dân quận 12 phản ánh: Dự án đê bao kết hợp giao thông bờ hữu sông Sài Gòn là dự án lớn nhưng thi công chậm, không bảo đảm chất lượng, đơn vị thi công không đủ năng lực, các đơn vị thi công mượn đất của dân không tái lập mặt bằng… nên đề nghị chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng công trình.
Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có nhiều dự án thi công chậm, không bảo đảm yêu cầu, gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt, đi lại, như đường An Hạ, đường Nguyễn Văn Bứa, Tỉnh lộ 10… Cử tri huyện Bình Chánh cho biết từ khi xây dựng cầu vượt Nguyễn Văn Linh đã cô lập xã An Phú Tây nên không có đường dẫn để vào đường Hưng Long - An Phú Tây, các phương tiện thường xuyên chạy ngược chiều rất nguy hiểm. Vì vậy, các doanh nghiệp và nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết để việc lưu thông dễ dàng hơn.
Ăn mặc phản cảm, quảng cáo thổi phồng
“Trong thời gian gần đây xảy ra hiện tượng phô trương thân thể, chủ yếu là những người mẫu, ca sĩ nổi tiếng… nhưng khi được hỏi về vấn đề này thì những người làm công tác quản lý lại cho rằng đó là ý thức của chính ca sĩ đó, trong khi mức xử phạt lại không đủ sức răn đe” - cử tri quận 4 nêu vấn đề. Theo các cử tri, ngay cả với các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp, ca sĩ, nhóm múa mặc trang phục phản cảm có đại diện các cơ quan văn hóa dự nhưng cũng không có ý kiến gì để chấn chỉnh. Để giải quyết triệt để tình trạng này, cử tri đề nghị cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý mạnh tay, như cấm hành nghề trong thời gian một năm, kết hợp các hình thức xử phạt hành chính khác để các nghệ sĩ tự điều chỉnh cho phù hợp.
Vẫn lo ô nhiễm Cử tri huyện Bình Chánh phản ánh tại KCN Đức Hòa, Công ty TNHH Hùng Cường (xã Phạm Văn Hai) gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Cử tri quận 7 đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra việc xử lý và xả nước thải của Công ty Đức Khải xuống ao cá Sông Tân gây ô nhiễm môi trường. Cử tri Nhà Bè phản ánh Công ty Hào Dương đã nhiều lần bị xử lý nhưng đến nay vẫn còn vi phạm, xả nước thải hôi thối làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân tại khu vực này. Cử tri quận Bình Thạnh phản ánh việc giám sát và lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với cơ sở dệt may Gia Định không hiệu quả, cơ sở này vẫn tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm môi trường. |
Bình luận (0)