Thiếu thiện chí
Năm 2009, Chi nhánh Công ty VT tiếp nhận chị C. theo quyết định của tổng công ty ở Hà Nội. Song song đó, chị C. cũng có đơn trình bày nguyện vọng được làm việc lâu dài tại chi nhánh với lý do theo gia đình chuyển vào TPHCM sinh sống. Dù chi nhánh chưa có nhu cầu nhân sự nhưng vẫn tiếp nhận chị C. và bố trí vào tổ dự án. Một thời gian, tổ dự án giải thể, chị C. được chuyển sang theo dõi mảng hợp đồng dân sự. Do khách hàng ít, trong khi bộ máy cồng kềnh nên chi nhánh thương lượng chuyển chị C. sang bộ phận biên tập. Thế nhưng, mới được 7 ngày, chị C. đòi chuyển sang công việc khác với lý do thị lực và sức khỏe kém.
Chi nhánh không chấp nhận vì không còn công việc nào để bố trí nên mời chị C. đến thương lượng và đưa ra 2 hướng giải quyết: tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã ký hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Chị C. không đồng ý làm việc tiếp cũng không thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. “Chúng tôi đã nhiều lần mời chị C. lên làm việc nhưng chị chỉ trả lời một câu là “đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật”. Sau đó, chị C. báo con ốm và xin nghỉ để chăm sóc con, tiếp nữa là xin nghỉ phép rồi nghỉ không lương” - bà Như Hương ngán ngẩm.
Đòi hỏi “quá quắt”
Tương tự, công ty P. (quận Thủ Đức - TPHCM) cũng đang “đau đầu” vì những yêu sách của NLĐ. Theo thỏa thuận giữa công ty và anh D., công việc của anh D. là cắt tôn, dán cửa. Làm việc được 2 năm, anh D. xin chuyển sang làm việc khác vì không đủ sức khỏe. Công ty đồng ý chuyển anh sang làm tại tổ sơn. Thế nhưng, ở tổ sơn, anh thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, bị khách hàng than phiền. Sau nhiều lần nhắc nhở, công ty ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo. Anh D. khiếu nại do công việc mới chưa quen nên xảy ra sai sót.
Sau khi tham khảo ý kiến Công đoàn, công ty thu hồi quyết định kỷ luật đối với anh D. Một thời gian sau, anh D. lại làm đơn cho biết không thể làm công việc ở tổ sơn và đề nghị bố trí công việc khác cho phù hợp. Lãnh đạo công ty cho biết: “Do không còn công việc khác nên công ty đề nghị chấm dứt HĐLĐ. D. nói rằng nếu chấm dứt HĐLĐ, công ty phải đền bù cho anh 50 triệu đồng. Công ty không đồng ý, anh D. lại gửi đơn khiếu nại, sau đó xin nghỉ không hưởng lương. Trong khi công việc tại tổ sơn không có người làm thì anh D. lại không chịu làm. Chúng tôi cũng muốn giải quyết mọi việc có lý, có tình nhưng đành chịu”.
LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN CƯỜNG, ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM: Phải biết chia sẻ với doanh nghiệp Pháp luật bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. NLĐ nên chia sẻ với doanh nghiệp, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay, đừng khăng khăng chỉ biết quyền lợi của mình. Trong trường hợp đã thỏa thuận mà NLĐ không thực hiện đúng thỏa thuận thì doanh nghiệp có quyền lập biên bản về việc không hoàn thành nhiệm vụ để xử lý kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. |
Bình luận (0)