Sau hơn một năm lỗi hẹn, thị trường phát điện cạnh tranh đã đi vào hoạt động từ ngày 1-7. Đây là nấc thang đầu tiên của thị trường điện 3 cấp độ, gồm: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh để tiến tới thị trường hóa giá điện, xóa bỏ độc quyền và đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Thế nhưng, chưa đầy nửa tháng vận hành đầu tiên, cơ chế này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Đầy bất cập
Cơ chế vận hành của thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện như sau: Vào thời điểm nhất định, các nhà máy điện đủ điều kiện tham gia thị trường sẽ thực hiện chào giá. Trên cơ sở đó, Công ty Mua bán điện (EPTC) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ quyết định mua điện của các nhà máy theo thứ tự ưu tiên từ giá thấp đến giá cao. Các nhà máy không được mua đồng nghĩa với không phát điện. Trong đợt đầu, có 29 nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Gián tiếp tham gia thị trường còn có 26 nhà máy điện khác và khoảng 20 nhà máy nằm trong danh sách dự kiến.
Trong ảnh: Kiểm tra một trạm biến thế tại Việt Trì - Phú Thọ. Ảnh: HÀ THÁI
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện có gần 300 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện. Tuy nhiên, độc quyền vẫn nằm ở EVN vì DN này đang giữ toàn bộ các khâu mua bán, truyền tải, điều độ, phân phối. Cụ thể: EPTC, Tổng Công ty Truyền tải điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), 5 tổng công ty điện tại các miền và cả 62 công ty điện lực tỉnh, TP cũng đều trực thuộc EVN. Ngay cả khi thành lập 3 tổng công ty phát điện để tăng tính cạnh tranh, Bộ Công Thương vẫn đề nghị các DN này trực thuộc EVN.
“Dù đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh nhưng theo quan điểm của chúng tôi, hiện vẫn chưa có thị trường nào cả, vì mua bán, điều độ, lưới, phân phối, bán lẻ vẫn chỉ là một người. Đã là thị trường thì phải có nhiều người bán, nhiều người mua độc lập, không ai phụ thuộc vào ai” - ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, băn khoăn.
Điện thừa không biết bán đâu!
Ông Ngãi cho biết Việt Nam có thời kỳ bùng nổ đầu tư vào thủy điện nhưng đa số là nhà máy có công suất 10 MW, số ít 5-7 MW. Các dự án nhỏ này bị hạn chế đầu tư kể từ khi có Quy hoạch Điện VII. Những nhà máy công suất từ 30 MW trở lên chủ yếu do EVN làm chủ đầu tư. Trong khi đó, điều kiện để tham gia thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy thủy điện phải có công suất từ 30 MW trở lên! Như vậy, chỉ có các nhà máy của EVN mới đủ điều kiện tham gia thị trường.
Các nhà máy nhỏ vô hình trung bị ép ra khỏi thị trường, chỉ còn cách bán điện cho công ty điện lực địa phương. Trong trường hợp điện lực địa phương được điện lực quốc gia cấp đủ điện thì thủy điện nhỏ sẽ không biết bán điện cho ai. Ngay cả khi bán được thì cũng vẫn trong tình cảnh “chiếu dưới” vì Chính phủ chưa có hướng dẫn trong trường hợp này, giá bán điện là bán buôn hay bán lẻ.
Một vấn đề quan trọng khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư là thời gian bán điện. Nếu thuận lợi, một nhà máy thủy điện mỗi năm phát 6.300 giờ nhưng tùy theo nhu cầu, có nhà máy chỉ bán được 1.000 hay chỉ 500 giờ.
Ông Hà Sỹ Dinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuân Vũ - DN đầu tư thủy điện nhỏ ở Lào Cai, ngán ngẩm: “Rất ít DN có lãi từ đầu tư thủy điện và có khả năng tái đầu tư vào các nhà máy tiếp theo”. Tổng sơ đồ Điện VII đặt mục tiêu thủy điện nhỏ đạt sản lượng 11 tỉ KWh. Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì kinh tế tư nhân tiếp tục là khu vực đầu tư thủy điện nhỏ. Chưa dám nói đến ưu tiên, các nhà đầu tư chỉ mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng...
Kỳ tới: Hạ du khô khát
Cần bảo đảm “nước lên, thuyền lên” Thông qua VEA, các nhà đầu tư kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi cơ chế cho phép nhà máy thủy điện công suất từ 10 MW trở lên được tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và được sửa đổi điều khoản hợp đồng bán điện theo mặt bằng giá mới, bảo đảm cơ chế “nước lên, thuyền lên” trong các đợt tăng giá điện để công bằng. VEA cũng đề xuất tách các tổng công ty ra khỏi EVN để có cơ sở rút ngắn lộ trình thị trường hóa giá điện vào năm 2017 thay vì năm 2020 như quan điểm của Bộ Công Thương. Theo đó, lộ trình thị trường hóa giá điện chỉ cần 2 bước: Phát điện cạnh tranh - bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Ngay khi tách bạch được khâu sản xuất sẽ thực hiện ngay cơ chế bán điện cho các công ty mua bán điện để tổ chức bán buôn. |
Bình luận (0)