Trong cuộc điện thoại đầu tiên thông báo tình hình cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm Sài Gòn (Tocontap Saigon) vào đầu tháng 7-2012, anh Nguyễn Quang Chinh, trưởng nhóm lao động Việt Nam làm kỹ thuật viên cho Công ty Matsukaze của Nhật Bản, cho biết mọi chuyện khá suôn sẻ.
Nơi làm việc, ăn ở của nhóm kỹ thuật viên các anh tại Nhật rất tốt, điều kiện làm việc và thu nhập đều bảo đảm. Anh cam kết nhóm của mình sẽ làm việc thật tốt để phía bạn thấy được tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và siêng năng của lao động Việt Nam.
Một nghề kén người
Trước đó, vào tối 20-6-2012, tại sân bay Tân Sơn Nhất, 5 lao động đầu tiên của Tocontap Saigon đã lên đường sang Nhật làm nghề chăm sóc ngựa. Lần đầu tiên sang nước Nhật xa xôi, ai cũng bồi hồi, dù họ chờ ngày đi này đã gần 8 tháng qua. Trước giờ máy bay cất cánh, họ nói chưa biết tường tận điều gì đón đợi nhưng đều chắc chắn là họ sẽ có công việc tốt, có tay nghề vững vàng hơn trong môi trường hiện đại và chuyên nghiệp…
Câu chuyện bắt đầu bằng mối lương duyên giữa Tocontap Saigon với Công ty Matsukaze của Nhật Bản. Qua nhiều năm đưa tu nghiệp sinh làm việc tại Nhật, tiếng lành đồn xa, phía Nhật ngỏ ý muốn được Tocontap Saigon cung ứng kỹ thuật viên làm nghề chăm sóc ngựa tại các trang trại. Ngoài các điều kiện cần thiết cho một lao động xuất khẩu, điều kiện hàng đầu Công ty Matsukaze đưa ra là yêu nghề và có kỹ năng, kinh nghiệm.
Dĩ nhiên Tocontap Saigon biết công việc này không đơn giản, nhất là nguồn nhân lực với các yêu cầu đối tác đưa ra. Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Tocontap Saigon, nói: “Ai cũng biết ngoại thành TPHCM và vùng Đức Hòa - Long An nổi tiếng với nghề nuôi ngựa, từng cung cấp nhiều ngựa đua, nhiều “nài” nổi tiếng cho trường đua Phú Thọ một thời.
Các lao động đầu tiên của Tocontap Saigon sang Nhật làm kỹ thuật viên chăm sóc ngựa
tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ lên đường. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG - ĐỨC QUỐC
Nhưng mấy năm qua, trường đua đóng cửa, nhiều người bỏ nghề, chưa biết nguồn lao động cung ứng cho đối tác ra sao. Hơn nữa, nghề này rất kén người, thường phải là con nhà nòi, sinh ra, lớn lên trong những gia đình có truyền thống làm nghề chăm sóc ngựa đua, quen với ngựa từ tấm bé và quan trọng nhất là yêu nghề, mê ngựa.
Sau đó, chúng tôi đã tìm được những lao động đầu tiên đạt yêu cầu: Rành rẽ về nghề nuôi và chăm sóc ngựa đua, có hơn 5 năm kinh nghiệm với các kỹ năng căn bản. Chọn đi lọc lại, đợt đầu tiên được đích thân ông Kei Morooka, Chủ tịch Công ty Matsukaze, sang Việt Nam, sát hạch”.
Sang tận Việt Nam tuyển người
Sáng thứ bảy, 1-10-2011, tại một trang trại ở ngoại thành TPHCM. Trời nắng đẹp, trong khoảng sân rộng, những chú ngựa ung dung gặm cỏ. 14 chàng trai ứng thí làm kỹ thuật viên có mặt sớm. Hầu hết họ đều là con nhà nòi chuyên chăm ngựa đua ở ngoại thành TPHCM và Đức Hòa - Long An. Trong khi chờ sát hạch, họ kể cho chúng tôi về nghề đang mai một, nhiều gia đình phải bán ngựa, bỏ nghề sau khi Trường đua Phú Thọ đóng cửa.
Nhưng cũng còn một số hộ gia đình do đã là “nghiệp”, trong đó có gia đình họ, vẫn không thể bỏ nghề bởi nghề đã ăn vào máu, dù rằng “bỏ thì thương vương thì tội”. Và dù trường đua đóng cửa thì vẫn còn những ông chủ mê ngựa như ông chủ trang trại này hay ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong khi trang trại này ở ngoại thành TPHCM thì trang trại của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tạo dựng ở quê nhà ông, huyện M’Drak, tỉnh Đắk Lắk.
Ông chủ công ty Nhật Bản đã tới. Họ sắp hàng, đứng nghiêm chào, chờ đến lượt. Dù có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc ngựa nhưng nay được người nước ngoài trực tiếp xem tay nghề, ai cũng hồi hộp. Để chuẩn bị cho sự kiện này và thể hiện sự trọng thị khách đường xa, chú ngựa giống đẹp nhất đàn có tên gọi Super, được đưa ra cho các ứng viên thị phạm.
Với tác phong nhanh nhẹn của một doanh nhân, sau các thủ tục thăm hỏi xã giao ngắn gọn, ông Kei Morooka đã bắt tay ngay vào việc. 14 lao động Việt Nam được đích thân ông kiểm tra bằng cách lần lượt mỗi người làm 3 phần việc: dắt ngựa, chải lông, vệ sinh móng và cưỡi ngựa đi 2 vòng quanh sân. Vượt qua những giây ngần ngại ban đầu, các ứng viên đã thi thố với sự tận tình, chân thực như công việc hằng ngày của họ. Chú ngựa Super đẹp mã ngoan ngoãn đi theo từng người, sau 2 vòng, họ buộc chú lại.
Tại buổi sát hạch, một ứng viên đang làm vệ sinh móng cho ngựa
Chú đứng yên cho từng người lần lượt chải bộ lông vốn đã rất đẹp của mình, sau đó họ cúi xuống, chú co chân trước lên để bàn tay người chăm sóc đưa dụng cụ vệ sinh bộ móng. Ông Kei Morooka và các chuyên gia Nhật Bản quan sát rất kỹ từng người, khuôn mặt ông dần dãn ra. Rồi Super được thắng yên cương, các ứng viên leo lên lưng làm kỵ sĩ dạo quanh sân 2 vòng…
Bà Lê Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Tocontap Saigon, cho biết ngành nuôi ngựa đua phục vụ các trường đua quốc tế tại Nhật Bản rất phát triển và nhu cầu cần kỹ thuật viên chăm sóc ngựa rất cao. Là đơn vị chuyên cung cấp ngựa đua, mỗi chú ngựa là một tài sản lớn nên Công ty Matsukaze cần những người đáp ứng đủ yêu cầu. Tại công ty này, chi phí nuôi mỗi ngựa đua từ 6.000 - 7.000 USD/tháng, do đó họ đòi hỏi chất lượng lao động phải tương xứng là điều tất yếu.
Sớm hòa nhập, làm việc tốt
Sắp tròn tháng đầu tiên ở trang trại tại đảo Honshu, nhóm kỹ thuật viên Việt Nam đã bắt được nhịp sinh hoạt, học nghề tại đây. Anh Chinh cho biết: Tuần lễ đầu còn bỡ ngỡ nhưng tuần sau trở đi, anh em chúng tôi quen dần với lịch làm việc dày đặc, công việc kín mít và kỷ luật nghiêm minh trong cả quy trình kỹ thuật. Và khi quen rồi, mọi việc trở nên dễ chịu hơn.
“Trang trại mênh mông, chuồng trại ngăn nắp, điều hành bằng công nghệ hiện đại, chăm sóc ngựa phải nói là tuyệt vời. Không chỉ tập trên đồng cỏ, ngựa còn phải tập với máy và được đo cập nhật các thông số sức khỏe, thể hình. Với cách làm việc khoa học như vậy nên công ty đã chọn lọc được những chú ngựa đua hàng đầu cung ứng cho các trường đua Nhật Bản và quốc tế” - anh Chinh nói. Anh cũng cho biết trong tháng đầu tiên, các anh ngày một buổi làm, một buổi học, qua tháng thứ hai, học thêm các kỹ năng chăm sóc ngựa hiện đại và từ tháng thứ ba trở đi, sẽ chính thức trở thành các kỹ thuật viên của công ty.
Theo ông Nguyễn Đức Quốc, thu nhập hằng tháng của mỗi kỹ thuật viên trên 1.000 USD; nếu làm ngoài giờ sẽ có thu nhập cao hơn và với nghề này thì làm ngoài giờ khá nhiều. Sắp tới, Tocontap Saigon sẽ có chương trình đào tạo kỹ thuật viên chăm sóc ngựa và những người đạt yêu cầu sau khi sát hạch sẽ được giáo dục định hướng và học tiếng Nhật trước khi sang Nhật làm việc… “Một nghề vất vả nhưng đầy thú vị với những ai yêu ngựa” - ông Quốc nói.
Những lá thư của các chàng “nài ngựa” ngày nào gửi về gia đình đều không dài nhưng đầy ắp niềm vui và hy vọng về một ngày mai không xa với tương lai sáng sủa hơn sau những năm làm việc tại xứ sở mặt trời mọc. Với họ, hạnh phúc cũng đơn sơ là được tiếp tục làm công việc mình yêu thích, được học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm và có số vốn kha khá để sau này về nước phát triển được nghề nghiệp của mình.
“Ngoài tưởng tượng của tôi”
Ngay sau buổi sát hạch, trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Kei Morooka nói: “Ngoài tưởng tượng của tôi. Tôi không ngờ lao động Việt Nam thạo nghề như vậy”. Hỏi ông về mức độ hài lòng, ông cho biết hơn 50% trong số lao động được sát hạch đạt yêu cầu của công ty và ông hy vọng hai bên sớm xúc tiến các thủ tục để đưa họ sang làm việc ngay trong năm nay.
Ông cũng cho biết thêm so với lao động Việt Nam, lao động Philippines làm nghề này giỏi tiếng Anh hơn, có kiến thức hơn do được tiếp xúc nhiều. Song chính điều này cũng là lợi thế cho lao động Việt Nam, đào tạo họ lại từ đầu thì họ sẽ thao tác và có các kỹ năng một cách căn bản, chuyên nghiệp. |
Bình luận (0)