Những ngày đầu tháng 7-2012, vùng hạ lưu sông Ba - Phú Yên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, đồng ruộng khô hạn do Nhà máy Thủy điện Sông Hinh cắt giảm giờ chạy máy.
EVN chỉ mua điện giờ cao điểm
Nguồn nước về hạ lưu sông Ba phụ thuộc 2 nhà máy thủy điện là Sông Ba Hạ và Sông Hinh. Trước đây, 2 nhà máy này luân phiên chạy máy 24 giờ/ngày, Sông Ba Hạ từ 5 giờ đến 17 giờ, Sông Hinh từ 17 giờ đến 5 giờ hôm sau. Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, đầu tháng 7-2012, Sông Hinh bị cắt giảm thời gian chạy máy chỉ còn 4 giờ/ngày, do nhà máy này chào giá bán điện tương đối cao (563 đồng/KW) cho thị trường phát điện cạnh tranh.
“Chỉ có những nhà máy chào giá điện thấp, được Công ty Mua bán điện (EPTC) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua thì mới chạy máy. EPTC chỉ mua điện của chúng tôi vào những giờ cao điểm. Không mua điện thì chúng tôi không thể chạy máy, mà không chạy máy thì không đủ nước về hạ lưu” - ông Trung bức xúc.
Việc cắt giảm giờ chạy máy ở thủy điện Sông Hinh đã gây nên tình trạng khô hạn tại hạ lưu sông Ba. Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, có thời điểm mực nước tại đập đầu mối dưới tràn đến 40cm, dẫn đến nguồn nước về 2 kênh chính Bắc và chính Nam đều giảm mạnh. Nhiều diện tích lúa hè thu nằm cuối hệ thống thủy nông Đồng Cam bị khô hạn. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đề nghị cho chạy máy thủy điện để trả nước về hạ lưu” - ông Trung cho biết.
Được lợi vẫn tăng giá điện
Theo ông Trung, việc vận hành thị trường điện cạnh tranh hiện nay rất phức tạp. “Họ chào đủ giá. Nhà máy này thì được ưu tiên, nhà máy kia lại không. Tôi cũng điên đầu về cái chuyện này” - ông Trung băn khoăn.
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Thự, Giám đốc Công ty Công nghiệp gỗ Trường Thành - Phú Yên, việc vận hành thị trường điện cạnh tranh hiện nay chỉ mới dừng lại ở chuyện mua điện, còn bán điện đến người tiêu dùng thì EVN vẫn độc quyền nên chỉ có mỗi tập đoàn này được lợi. “Là một đơn vị kinh doanh, lẽ ra đầu vào anh cạnh tranh như thế thì đầu ra - bán điện cho người tiêu dùng - cũng phải có 2-3 doanh nghiệp nào đó cạnh tranh giá bán. Đằng này, EVN vẫn độc quyền thì chỉ có tập đoàn này được lợi mà thôi”- ông Thự nhận định.
Theo ông Thự, một điều bất cập khác khi vận hành thị trường điện cạnh tranh là vào thời điểm giá điện mua vào cạnh tranh, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng điện lại đang khó khăn thì giá bán điện cho người tiêu dùng lại tăng 5%. “Sao lại có chuyện bất hợp lý như thế? Lẽ ra, khi giá điện mua vào cạnh tranh, EVN được lợi thì phải giảm giá điện bán ra nhưng họ lại tăng, mà tăng lúc kinh tế đang khó khăn thì càng làm khó cho doanh nghiệp” - ông Thự bức xúc.
Tăng giờ chạy máy vẫn lo Ông Võ Thành Trung cho biết sau khi Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên có văn bản gửi đến Bộ Công Thương và EVN, cũng như Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh gửi văn bản đến Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia yêu cầu cho Nhà máy Thủy điện Sông Hinh chạy máy để trả nước về hạ lưu sông Ba thì EVN đã đồng ý cho chạy 12 giờ/ngày.
“Hiện đang vào cao điểm mùa khô, họ cho mình như vậy nhưng về lâu dài, EVN có mua điện của chúng tôi như thế không thì không có gì bảo đảm. Chúng tôi vẫn lo lắm” - ông Trung thổ lộ. |
Bình luận (0)