“Tôi có một đứa con 3 tuổi, cháu không muốn đi học. Mỗi lần đi học, cháu chống đối bằng cách nôn ói. Bác sĩ cho biết cháu chẳng có bệnh gì nhưng chỉ cần nghe 2 chữ “đi học” là cháu phản ứng ghê gớm”. Một người cha từ Cần Thơ lên TPHCM để được nghe ý kiến của chuyên gia tư vấn tại chương trình “Rối loạn hành vi ứng xử và vấn đề học tập ở trẻ em” do Trung tâm Tư vấn Tâm lý Trẻ vừa tổ chức đã cho biết như vậy.
Tìm cách gây chú ý
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, có thể bé đã bị mắc hội chứng “sợ chia ly” khi phải đi học. Người lớn thường có câu nói đùa: “Nếu con không ngoan, ba mẹ sẽ bỏ con”. Câu nói vô tình ấy làm các cháu rất sợ, sợ đi học về ba mẹ sẽ đi mất, sợ không gặp được ba mẹ… Chứng sợ hãi này sẽ được khắc phục từ từ”- bà cho biết.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Trung Nghĩa, Trung tâm Sức khỏe tâm thần TPHCM, ở trẻ nhỏ, việc truyền đạt thông tin khó khăn hơn người lớn do chưa đủ vốn từ nên trẻ thường diễn đạt bằng nét mặt và hành vi. Khi cha mẹ không hiểu đúng, bé bực bội và đập phá. Việc này lặp đi lặp lại sẽ trở thành một thói quen.
Người lớn cũng có lúc căng thẳng như công việc quá tải, bị sếp mắng, tâm lý mệt mỏi, về nhà còn bị chồng hoặc vợ cằn nhằn. Những lúc này, người lớn thường phản ứng bằng cách gây gổ, quát nạt. Trẻ cũng học theo điều này, khi không vừa ý về vấn đề gì, trẻ cũng gây gổ, la hét, đập phá. Ở những gia đình sống thiếu nề nếp, cha mẹ sống ích kỷ; hay ở những gia đình cha mẹ bận bịu với công việc, thường xuyên đi sớm về khuya mà không quan tâm đến con cái cũng dễ gây nên sự rối loạn chống đối ở trẻ.
Sức chịu đựng của trẻ em thường kém, những trẻ bị lạm dụng sức lao động hoặc tình dục rất đau khổ và thường diễn đạt bằng cách gây hấn hoặc phạm pháp. Ở những gia đình cha mẹ có bệnh lý (lao phổi, trầm cảm…) hay uống rượu bia, sử dụng ma túy cũng rất dễ ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Trẻ không hiểu được vấn đề của cha mẹ mà luôn cảm thấy chẳng ai quan tâm đến mình nên luôn tìm cách chống đối.
Cha mẹ thiếu quan tâm
Một bà mẹ chia sẻ bà có 2 con trai, con út được 13 tuổi hay có những biểu hiện khó hiểu. Dù gia đình không khá giả nhưng bà vẫn cố gắng cho con học trường quốc tế vì muốn con có môi trường giáo dục tốt. Cháu học rất tốt các môn tự nhiên, còn các môn xã hội thì không thể nào tiếp thu được và không thích chơi với bạn bè. Tìm hiểu kỹ, bà biết con mình khó diễn đạt ngôn ngữ nên dù ghét ai hoặc yêu ai thì vẫn giữ thái độ im lặng, không muốn chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, do phải kiếm tiền cho con học trường quốc tế nên cha mẹ quá bận rộn, thiếu quan tâm đến con. Khả năng ngôn ngữ của cháu kém nên học các môn xã hội và giao tiếp cũng kém. Để khắc phục điều này, cha mẹ phải trò chuyện với con nhiều hơn để phát triển kênh giao tiếp của trẻ. Việc cháu bé học kém các môn xã hội thì ba mẹ cũng đừng quá lo lắng, hiếm có đứa bé nào giỏi toàn diện, tuy nhiên, cha mẹ có thể thay đổi phương pháp học cho con bằng các con số, số liệu cụ thể trong các môn xã hội chứ không phải là câu nói suông.
THẠC SĨ - BÁC SĨ TRẦN TRUNG NGHĨA, TRUNG TÂM SỨC KHỎE TÂM THẦN TPHCM: Tăng cường kỹ năng sống Bên cạnh sự quan tâm của gia đình, cha mẹ cần phải tăng cường kỹ năng sống cho trẻ nhiều hơn như cho các cháu tham gia sinh hoạt đội nhóm, học nhóm, cắm trại… để trẻ có điều kiện giao tiếp với xã hội, với những bạn đồng lứa khác. Việc tiếp xúc nhiều với các bạn đồng lứa sẽ giúp bé dần học được những kỹ năng cần thiết, biết chia sẻ và cởi mở nhiều hơn. |
Bình luận (0)