xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam tiến ra biển

TS TRẦN NAM TIẾN (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và đảo - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)

Yêu cầu khẳng định rõ chủ quyền các vùng biển đảo, xác định khung pháp lý cho việc tiến ra biển, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, tạo điều kiện phát triển và xây dựng đất nước đã thôi thúc sự ra đời của Luật Biển Việt Nam

Năm 1982, Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) được ký kết. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình thương lượng về dự thảo UNCLOS.
Sau khi UNCLOS 1982 được thông qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký UNCLOS và ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quyết định phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Kể từ đó, với tư cách là thành viên của UNCLOS, nước ta đã tích cực tham gia những hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo UNCLOS.

Được cộng đồng quốc tế ủng hộ

Với tư cách là một quốc gia ở biển Đông, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động khai thác các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong khi tiến hành các hoạt động này, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của UNCLOS, tôn trọng quyền của các quốc gia khác ven biển Đông cũng như các quốc gia khác theo đúng các quy định của UNCLOS. Đồng thời, Nhà nước ta cũng yêu cầu các quốc gia ven biển Đông và các quốc gia khác tôn trọng những quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở biển Đông.
Trên thực tế, đã xảy ra một số vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, Nhà nước ta đã chủ trương và kiên quyết đấu tranh ở các cấp qua đường ngoại giao và dư luận cũng như trên thực địa để bảo vệ quyền chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Những lập trường, hoạt động của chúng ta nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Xét về khung pháp lý về quản lý chủ quyền biển đảo, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ra Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa bằng Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam ngày 12-5-1977.
img
Hằng năm, vào tháng 3 âm lịch, huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh:TTXVN
Tuyên bố năm 1977 và Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Tuyên bố 1982) và nghị quyết ngày 23-6-1994 của Quốc hội khóa IX phê chuẩn UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cơ bản cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về biển của Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trên biển từ trước đến nay. Năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biên giới quốc gia khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong khi đó, mãi đến ngày 2-2-1992, Trung Quốc mới ban hành Luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp; trước đó là luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 26-6-1998; Luật Quản lý và Sử dụng các vùng biển của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 2-10-2001. Ở khu vực Đông Nam Á, ngày 10-3-2009, Philippines thông qua Luật Cộng hòa RA 9522 xác định đường cơ sở của Philippines và quản lý Trường Sa và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) theo quy chế đảo.

Malaysia cũng đã công bố bản đồ ranh giới thềm lục địa của nước này từ năm 1979. Tuy nhiên, nhìn tổng quan, các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam mới chỉ nêu những nguyên tắc chung về xác định phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, chưa cụ thể hóa công tác quản lý Nhà nước về biển, nên hiệu lực pháp lý còn thấp.

Bước phát triển trong chiến lược biển

Trước tình hình hiện tại, nhu cầu khẳng định rõ chủ quyền các vùng biển đảo, xác định khung pháp lý cơ bản cho việc tiến ra biển của đất nước, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, tạo điều kiện phát triển và xây dựng đất nước đã thôi thúc ra đời một bộ Luật Biển Việt Nam, trên cơ sở nâng cấp tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển đã có.

Ngày 21-6-2012, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành là 495/496. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, bao gồm 7 chương, 55 điều, đề cập các nội dung chủ yếu: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam được bắt đầu từ năm 1998 và đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII. Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn UNCLOS 1982, các tuyên bố của Chính phủ năm 1977 và 1982, tổng kết thực tiễn quản lý biển của nước ta, trên cơ sở UNCLOS 1982 và các hiệp định về biển đã ký.
Có thể nói, đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, là một bước phát triển trong chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020, hướng tới phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS 1982. Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Điểm đặc biệt là chương 1 của Luật Biển đã xác định rõ ràng là “… quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (…) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam…”. Luật Biển quy định rõ là mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động trong các vùng biển của Việt Nam. Mọi vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến biển, đảo của Việt Nam đều bị xử lý theo pháp luật liên quan. 

Giải quyết tranh chấp bằng hòa bình

Đối với các tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở biển Đông, Luật Biển Việt Nam quy định rõ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Luật Biển Việt Nam được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta, trong đó đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kỳ tới: Phù hợp với luật pháp quốc tế

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo