Ngày 18-7, tại buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước - cho biết, một số bộ ngành chưa khắc phục được một số sai sót từ những năm trước trong quản lý các khoản thu như thu học phí vượt mức quy định, các khoản thu ngoài quy định...
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã thu học phí vượt quy định 59,1 tỉ đồng, Bộ Công Thương thu vượt quy định 146,5 tỉ đồng, Đại học Quốc gia TPHCM thu vượt quy định 37,3 tỉ đồng. Riêng các khoản thu ngoài chế độ xảy ra ở Bộ GD-ĐT lên tới 35,9 tỉ đồng, Đại học Quốc gia TPHCM 9,7 tỉ đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội là 2,6 tỉ đồng.
Tiến hành kiểm toán tại 21 tập đoàn, tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện rất nhiều vấn đề đã trở thành “ung nhọt” trong nhiều năm.
Theo ông Đào Văn Dũng, năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi như lãi vay ngân hàng, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao, thị trường tiêu thụ khó khăn. Tuy 19/21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán vẫn có lãi nhưng cũng không ít đơn vị bị lỗ, kết quả kinh doanh bị giảm so với năm 2009.
Ví dụ điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.416 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng.
Tổng số nợ phải thu của 21 tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2010 là 56.656 tỉ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 9,7% và trên vốn chủ sở hữu là 36,09%.
Do chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên tỉ lệ vốn bị chiếm dụng nhiều tại doanh nghiệp rất cao. Nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Trường Sơn là 50,88%; Tổng công ty Xây dựng đường thủy 37,58%, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi 31,13%, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải 24,37%, Tổng công ty HUD 22,73%, Tổng công ty Xây dựng phát triển hạ tầng 22,49%.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư… nên đã phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính và nhiệm vụ chính trị được nhà nước giao.
Một số doanh nghiệp do kinh nghiệm quản trị kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp bị thua lỗ. Điển hình là EVN khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản là 7,83%, hoạt động viễn thông lỗ 1.057,7 tỉ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỉ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008).
Quy mô vốn chủ sở hữu của 21 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đạt 156.998 tỉ đồng. Cơ bản các đơn vị bảo toàn, phát triển được vốn nhà nước ngoại trừ Tổng công ty Xây dựng đường thủy khi có lợi nhuận sau thuế năm 2010 lỗ trên 76 tỉ đồng, lỗ lũy kế trên 890 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 586,321 tỉ đồng.
Đặc biệt, 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay. Trong đó, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số cao nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính.
Bình luận (0)