Do Ngân hàng (NH) Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn về việc giảm lãi suất các khoản vay cũ nên hiện các NH thương mại thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu. Đã có hiện tượng né quy định giảm lãi suất các khoản nợ cũ về 15%/năm.
Giảm thiếu đồng bộ
Nhóm NH thương mại quốc doanh và NH có vốn lớn của Nhà nước đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cũ đối với cả khoản vay ngắn hạn lẫn trung và dài hạn, áp dụng cho khách hàng là doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo một số NH cho biết do nhóm NH này có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, nhiều tháng trước, họ đã đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về gần 16%/năm nên khi NH Nhà nước chỉ đạo hạ lãi suất, họ thực hiện thuận lợi hơn.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết đã giảm lãi suất của toàn bộ các khoản vay cũ về 15%/năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên NH NN-PTNT (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết Agribank đã chính thức áp dụng lãi suất cho vay không quá 15%/năm. NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm lãi suất các khoản vay cũ tương tự Agribank...
Trong khi đó, khối các NH thương mại cổ phần vẫn đang “nhìn nhau” hoặc âm thầm chọn lọc một số khách hàng “ruột” để giảm lãi suất cho vay cũ đối với các khoản vay ngắn hạn. Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết Sacombank đã giảm lãi suất các khoản vay ngắn hạn cũ của DN, hộ gia đình xuống còn 15%/năm. Tuy nhiên, “với các đối tượng vay khác cần phải có thêm thời gian và lộ trình”.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á (DongA Bank) cũng cho biết đã giảm lãi suất các khoản vay cũ ngắn hạn (dưới 12 tháng) về mức 15%/năm. Nếu thực hiện hạ lãi suất tất cả các khoản vay cũ, buộc DongA Bank phải “bốc hơi” 40 tỉ đồng/lợi nhuận/tháng…
Giảm lãi nợ cũ là bắt buộc
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết một số NH đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Tuy nhiên, nhiều NH cũng gửi văn bản trình bày những vướng mắc về việc giảm lãi suất cho vay cũ đối với các khoản vay trung và dài hạn, các khoản vay thuộc lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán… NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM sẽ tổng hợp các thắc mắc này báo cáo thống đốc NH Nhà nước cho ý kiến xử lý.
Ông Minh cũng cho biết NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM sẽ tổ chức kiểm tra các NH thương mại về việc hạ lãi suất. NH nào thực hiện không nghiêm việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn các hợp đồng cũ cho khách hàng sẽ bị NH Nhà nước xử lý.
Lãi suất vẫn cao so với các nước Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cát Quang Dương, Vụ phó Vụ Tín dụng NH Nhà nước, cho biết đã có 20 NH thương mại triển khai hạ lãi suất các khoản vay cũ của DN về mức 15%/năm theo quy định. Hiện còn một số tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài và công ty tài chính chưa thực hiện sẽ phải thực hiện yêu cầu này trong nay mai. Theo ông Dương, cuộc họp giữa Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn mới đây về triển khai chủ trương này đã kết luận nếu DN nào không được NH thương mại điều chỉnh giảm lãi suất hoặc phát hiện NH làm việc không hợp lý có thể báo cáo lên UBND TP để xử lý. Theo ông Dương, mức lãi suất 15%/năm đối với các DN vẫn cao nếu so với mặt bằng lãi suất các nước trong khu vực. Vì vậy, NH Nhà nước đang triển khai một gói giải pháp khá đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN nên sẽ tiếp tục xu hướng hạ lãi suất trong thời gian tới. T.Phương |
Bình luận (0)