Chuyện làm ngược đầu tiên từng gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội là kinh doanh của EVN lỗ nặng song vẫn trả lương “khủng” cho cán bộ, nhân viên. Năm 2010, EVN lỗ đến 8.416 tỉ đồng nhưng nhân viên khối văn phòng cơ quan tập đoàn mẹ vẫn ung dung lãnh lương bình quân hằng tháng tới hơn 27,4 triệu đồng, một mức quá cao so với mặt bằng chung. Có doanh nghiệp hạch toán “theo cơ chế thị trường” nào chịu trả lương cho nhân viên cao ngất trong khi làm ăn thua lỗ nặng nề như EVN hay không?
Khi đòi tăng giá điện, EVN nói rằng cần phải tính đúng, tính đủ giá đầu vào của giá điện nhưng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng doanh nghiệp này đã không hạch toán hàng ngàn tỉ đồng để giảm giá thành điện. Nếu tính đúng, tính đủ các khoản thu hàng ngàn tỉ đồng này, theo Kiểm toán Nhà nước, sẽ giúp giảm giá thành tới 34 đồng mỗi KWh. Sao EVN đòi theo “cơ chế thị trường” khi tính giá điện với người tiêu dùng nhưng lại không xử lý theo nguyên tắc sơ đẳng nhất của cơ chế này là tìm mọi cách, tận dụng mọi thứ để đưa giá thành xuống mức thấp nhất có thể?
Mỗi lần EVN đòi và được tăng giá điện là người dân và dư luận lại dấy lên nhiều bức xúc, từ chuyện vì sao giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm cho tới việc đòi phải minh bạch giá điện. Tuy nhiên, mọi thắc mắc, bức xúc đều chìm trong sự... im lặng của EVN. Được sự bảo bọc kín mít của “bức tường” độc quyền kiên cố, tập đoàn này cứ phớt lờ mọi thắc mắc cùng nỗi bức xúc của chính những người mang danh là “thượng đế” của họ.
Nay, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã phần nào hé lộ những “mánh” để luôn kêu lỗ và đòi tăng giá của EVN, qua đó làm lộ ra khuôn mặt độc quyền khó coi. Có thể chưa phải toàn bộ “mánh” tăng giá của EVN song báo cáo của Kiểm toán Nhà nước một lần nữa đặt ra tính cấp thiết phải nhanh chóng xóa bỏ độc quyền của ngành điện, nhất là khi đây là nguồn năng lượng thiết yếu với đời sống và sản xuất cả nước.
Bình luận (0)