xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan tành chứng khoán!

PHẠM ĐÌNH

Èo uột vì thiếu sự quan tâm của tất cả các đối tượng tham gia thị trường, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức tệ hại nhất trong lịch sử. Đến nay, có 364/702 mã chứng khoán đang giao dịch với giá dưới mệnh giá (10.000 đồng)

Trước đây, nói đến chứng khoán, nhiều người xem đó là kênh đầu tư sang trọng, dễ kiếm tiền. Nhưng giờ đây, chứng khoán được ví như một sòng bạc.

Từ tán gia, bại sản…

Nhắc đến bà Y., 68 tuổi, nhà ở quận 3 - TPHCM, nhiều người từng đến sàn chứng khoán ACB vẫn còn nhớ. Bà từng được xem là một người thức thời. Đã về hưu nhưng ngày ngày, bà Y. vẫn lên sàn chứng khoán. Từ vài trăm triệu đồng để dành cộng với cả tỉ đồng của người con định cư ở Mỹ gửi về, bà dồn hết vào cổ phiếu. Nhưng giá cổ phiếu 2-3 năm qua cứ rơi rụng dần, bán thì tiếc, bà Y. nản, không thèm để ý đến nữa. “Bây giờ bán ra chắc được chừng 200 triệu đồng là cùng” - bà Y. ngán ngẩm.

Cùng làm trong ngành chứng khoán nên vợ chồng anh Đ. (ở trọ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh - TPHCM) tự tin bỏ hết số tiền dành dụm được vào cổ phiếu. Những năm 2006-2007, ai chơi chứng khoán cũng lời, lại là dân trong nghề nên anh Đ. trúng đậm. Từ 50 triệu đồng ban đầu, có khi vốn của anh lên gần 2 tỉ đồng.
“Thấy ngon ăn, vợ chồng tôi dốc hết vào chứng khoán. Đến khi thị trường xuống, bán lỗ thì xót nên tụi tôi quyết định đem căn nhà của mình ở quận Gò Vấp thế chấp vay ngân hàng để mua thêm cổ phiếu, hy vọng cổ phiếu tăng giá sẽ gỡ lại vốn.
img
Thưa vắng nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Kim Eng (TPHCM). Ảnh: HỒNG THÚY
Không ngờ, thị trường trượt dài”… Bị ngân hàng xiết nhà, cổ phiếu bán ra không đủ trả nợ cho người thân, anh Đ. buồn bã vào chùa ở cho tịnh tâm, mãi một năm sau mới trở lại làm việc, kiếm tiền nuôi vợ con. Anh quên hẳn chứng khoán từ đó.

Anh T., một thời được giới chứng khoán xem là người “nói ra tiền”, bởi chỉ cần một cú điện thoại tư vấn chọn mua cổ phiếu của anh là y như rằng vài tuần sau, giá trị đầu tư tăng lên vài chục phần trăm. Bản thân anh, từ một nhân viên tư vấn tài chính bình thường với số vốn chỉ vài trăm triệu đồng, vậy mà có lúc tài sản lên hơn 200 tỉ đồng. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có tiền nhiều như thế nhưng rồi vì ham lợi, chủ quan, tôi đã vay tiền, dùng đòn bẩy tài chính và mất tất cả. Giấc mơ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực”. Từng có nhà cửa bề thế, vàng phải đựng bằng vali mới hết, giờ anh T. đã về quê “ở ẩn”. 

… Đến tù tội 

Huỳnh Thị Huyền Như, người phụ nữ từng làm giới đầu tư chứng khoán chao đảo, là hình mẫu của cạm bẫy trên sàn chứng khoán. Dựa vào uy tín cá nhân của mình đối với không ít nhà đầu tư, Như dần chuyển sang công việc của người chuyên đảo nợ ngân hàng.
Hậu quả là nhiều nhà đầu tư chứng khoán và không ít ngân hàng, doanh nghiệp bị Như lừa đảo, tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hiện Như chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Chắc chắn bị can này không đủ khả năng khắc phục hậu quả. Chén đắng ấy các nhà đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải uống!
Đầu tháng 4 vừa qua, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Viễn Đông, về hành vi “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong khi ông đang thi hành bản án 4 năm tù vì can tội “thao túng giá chứng khoán”. Trước đó, ông Dũng đã ra tay thao túng giá cổ phiếu DHT của Công ty CP Dược Hà Tây khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại vì cổ phiếu này lên, xuống thất thường.
Tương tự, trước đây có lẽ chẳng bao giờ ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS), nghĩ rằng có ngày mình sẽ bị vướng vào vòng lao lý. Vì đồng ý cho thế chấp cổ phiếu OTC vào công ty, ông Quyến đã gây thiệt hại cho LVS 40 tỉ đồng. Nếu lường được việc giá cổ phiếu sụt giảm, chắc chắn ông Quyến đã không dám liều.

Về những trường hợp như vậy, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM bộc bạch: “Đôi khi phóng lao phải theo lao. Làm nghề chứng khoán này đau đầu lắm, lúc nào cũng thấy cạm bẫy rình rập mình”.

Ai cũng nản lòng

Đến nay, tại 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, có 702 mã chứng khoán đang giao dịch, trong đó 364 mã có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng). Đặc biệt, có cổ phiếu có giá chỉ 900 đồng.

Tuy nhiên, sự lo lắng của nhà đầu tư giờ đây không chỉ là giá cổ phiếu có giảm nữa hay không mà còn là nên chọn công ty chứng khoán nào để mở tài khoản. Chị Thảo, một giáo viên ở quận 8 - TPHCM, có vài chục triệu đồng để dành gửi vào tài khoản của Công ty Chứng khoán SME, định tập tành chơi chứng khoán. Bẵng đi một thời gian, gần đây hỏi lại thì chị mới biết công ty này đã sập tiệm, tiền của chị coi như mất trắng. Song song đó, nhiều nhân viên môi giới chứng khoán cũng lặn không sủi tăm!

Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC (SJCS) Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Những năm trước, nhân viên môi giới luôn tỏ ra hào hứng với thị trường, lúc nào tiền cũng rủng rỉnh vì thu nhập cao thì giờ đây, họ ỉu xìu. Nhiều người đã chuyển nghề và thề sẽ không bao giờ quay lại chứng khoán”. Không ít nhân viên môi giới đã bị kiện, “chạy mất dép” vì bị nhà đầu tư nguyền rủa do đã khiến họ thua lỗ. “Có ai muốn nhà đầu tư của mình lỗ nhưng làm sao mà biết trước được thị trường” - một nhân viên môi giới nặng nề tỏ bày.

Theo một chuyên gia tài chính, thời gian vừa qua, những vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán diễn ra thường xuyên, đặc biệt là về công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Nổi cộm gần đây là vụ cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mua bán làm thay đổi tỉ lệ cổ phiếu này mà không công khai, thậm chí vi phạm liên tục mà chỉ phạt vài chục triệu đồng.
Hay thông tin báo cáo không trung thực, nhập nhằng lãi lỗ hoặc không sòng phẳng trong chi trả cổ tức cũng đã diễn ra khá phổ biến khiến nhà đầu tư nản lòng. Khi chính những doanh nghiệp niêm yết không tôn trọng nhà đầu tư và cổ đông của mình mà chỉ xem họ là “con mồi” để trục lợi thì làm sao thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển!
Vỡ mộng và trả giá đắt
Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, lịch sử thị trường chứng khoán thế giới hàng trăm năm đã hình thành giấc mơ tỉ phú cho biết bao người nhưng đi kèm với nó là nhiều cảnh đời lam lũ.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2000 có tựa Chứng khoán trong dài hạn, tác giả Jeremy Seigel làm phép thống kê: Nếu bỏ ra 1 USD vào năm 1802 thì đến năm 1997 sẽ có 3.500 USD nếu đầu tư vào tín phiếu kho bạc, được 10.500 USD nếu đầu tư vào trái phiếu, rất hấp dẫn nếu đầu tư vào cổ phiếu vì có đến 7 triệu USD…
Tuy nhiên, theo thời gian, nhà đầu tư dần nhận ra đâu là chân giá trị từ thị trường này, nhất là qua những biến cố từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay. Không ít người đã vỡ mộng, thậm chí trả giá đắt.
Với thời gian ra đời và phát triển hơn 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã dung nạp nhiều loại nhà đầu tư.
Đã một thời bà bán đậu phộng cũng có thể lên sàn hay người chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn đồng trong túi cũng có thể tham gia thị trường. Chính những khoản tiền quá nhỏ này đã đẩy hành vi đầu tư đi chệch khỏi chân giá trị của nó.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông Chí, dữ liệu của các công ty niêm yết qua các năm cho thấy mức cổ tức các công ty chi trả cho nhà đầu tư chỉ ở chưa đầy 1% (tỉ suất cổ tức = cổ tức/giá), trong khi họ liên tục thu hút vốn của nhà đầu tư bằng hình thức phát hành.
Mấy năm qua, chỉ những người quản lý các công ty cổ phần niêm yết trở nên giàu có, trong khi chính những ông chủ lại trở nên nghèo đi.

TS ALAN PHAN, CHỦ TỊCH QUỸ ĐẦU TƯ VIASA:

Thiếu sản phẩm tài chính chất lượng

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ so với thị trường thế giới. Tuy nhiên, không thể đổ thừa cho sự non trẻ mà để xảy ra những hạt sạn làm phá vỡ chuẩn chung của thị trường. Cái chính là nhà quản lý cần nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các chế tài, đồng thời quyết tâm hơn với vai trò là một trọng tài chân chính để cuộc chơi vừa nghiêm túc vừa bình đẳng.

Có thể chia những đối tượng tham gia thị trường chứng khoán thành 2 nhóm: người tổ chức, đưa ra sản phẩm và người tiêu thụ sản phẩm đó. Người tổ chức là những doanh nghiệp niêm yết (có sự tham gia của công ty chứng khoán) hiện nay chưa đưa ra sản phẩm tài chính chất lượng cho thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu thụ, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì thật là đáng thương.
Họ không có nhiều sự lựa chọn nên đành phải chọn hàng kém chất lượng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo