Những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy Bắc Kinh đang dần hiện thực hóa kế hoạch muốn kiểm soát biển Đông, bất chấp quyền lợi được quốc tế công nhận của các nước láng giềng. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông với cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”.
Trung Quốc lộ rõ tham vọng
Trong quan hệ song phương với các nước có tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh nước lớn để trấn áp và đe dọa. Điển hình như trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham với Philippines từ tháng 4-2012, Trung Quốc cũng đã dùng “vị thế quốc tế” của mình để bác bỏ đề nghị của Philippines đưa vấn đề tranh chấp này ra phán xét tại tòa án quốc tế. Ngày 21-6 vừa qua, khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối gay gắt.
Thậm chí, gần đây, Trung Quốc ngang nhiên có nhiều hành động xâm phạm trực tiếp vào lãnh thổ của các quốc gia có chủ quyền ở biển Đông, như tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và sự xuất hiện diễn tập của các tàu hải giám Trung Quốc, sau đó là 30 tàu đánh cá của Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải giám đã ngang nhiên vào đánh cá ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các vụ việc quấy rối ngư dân trong vùng nước tranh chấp, điều đó có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn trong tranh chấp lãnh thổ” - Stephanie Kleine-Ahlbradt, một chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc ICG (tổ chức chuyên hoạt động nhằm giảm thiểu các nguy cơ xung đột trên thế giới), bình luận.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam kiên trì bám biển Trường Sa. Ảnh: HỒNG ÁNH
Để tăng sức ép lên ASEAN trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã tích cực gây ảnh hưởng đến một số thành viên của ASEAN vốn không có tranh chấp tại vùng biển này. Từ chuyện hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm không ra được tuyên bố chung, có thể thấy Trung Quốc đã tạo được ảnh hưởng tới một số thành viên của ASEAN để gạt chủ đề biển Đông ra khỏi diễn đàn quốc tế.
Trong tất cả những vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, Trung Quốc luôn thể hiện quan điểm muốn “đàm phán hòa bình” nhưng là song phương với các nước liên quan, thay vì đối thoại đa phương.
Trước dư luận quốc tế, Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với khối ASEAN về một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhằm giảm các căng thẳng nhưng lại cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể được sử dụng để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Mỹ lắng dịu “bất thường”
Trong vấn đề biển Đông, Mỹ thường xuyên có những quan điểm khá mạnh mẽ, chỉ trích sự leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc ở khu vực này. Tuy nhiên, gần đây Mỹ có vẻ thay đổi quan điểm khá “bất thường”. Sau cuộc đối thoại “2+2” lần đầu tiên giữa quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Philippines vừa qua, Mỹ đã bất ngờ tuyên bố sẽ giữ lập trường trung lập, không đứng vào bất kỳ nào, tuy vẫn sẽ bảo đảm sự tự do hàng hải ở biển Đông với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương.
Dù vậy, hành động của Mỹ lại có vẻ không nhất quán lắm với lời nói của họ khi vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quân sự với Philippines, đặc biệt là sự kiện Mỹ khẳng định cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc Hiệp ước Phòng thủ chung mà nước này đã ký kết với Philippines năm 1951 với nghĩa vụ bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công xâm lược từ một nước khác. Điều này có nghĩa, nếu Philippines bị Trung Quốc tấn công, chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp.
Thực ra, có thể giải mã được những động thái của Mỹ trong thời gian qua, đó là Mỹ sẽ chuyển sự can thiệp của họ đối với vấn đề biển Đông từ trực tiếp sang gián tiếp để vẫn bảo vệ lợi ích của chính họ nhưng vẫn có thể kiềm chế Trung Quốc, nhưng mục tiêu vẫn là tránh đụng độ trực tiếp với Trung Quốc. Nhìn rộng ra, trong quan hệ song phương, Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng của Mỹ, không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn ở nhiều vấn đề quốc tế quan trọng khác.
Chính sự trung lập của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động gây căng thẳng như trong thời gian qua. Thực tế này nói lên rằng tình hình biển Đông sẽ càng nóng hơn trong thời gian tới, trong đó sẽ có một phần trách nhiệm của Mỹ.
Diễn biến nguy hiểm, phức tạp
Với những động thái gần đây, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang dần hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò” phi lý của họ, bằng những bước đầu là sử dụng “lực lượng mềm” như ngư dân, du lịch; sau đó có thể là “lực lượng cứng” nếu các nước tranh chấp không kiềm chế, nhất là khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang nóng lên trong khu vực. Đây có thể là bước khởi đầu cho những diễn biến nguy hiểm, phức tạp hơn về sau nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động nguy hiểm, bất chấp luật quốc tế. |
Kỳ tới: Tương lai nào cho COC?
Bình luận (0)