Không cần công chúng
Điều cốt lõi của một hội diễn, liên hoan đã bị tước bỏ để “mặt trận hóa” nhu cầu bằng cách phân bổ đều khắp các địa phương
Thưa thớt khán giả xem Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp 2012 tại Huế Ảnh: Tiến Long
Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, đang diễn ra tại TP Huế thu hút 20 đơn vị nghệ thuật với 26 vở diễn và hơn 1.000 diễn viên tham gia biểu diễn. Đây là liên hoan có số lượng tác phẩm, nghệ sĩ tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Nhưng thực tế, các buổi diễn được nhiều nghệ sĩ tham dự mô tả “vắng như chùa Bà Đanh”, ngoại trừ 2 buổi diễn của Sân khấu Kịch Hồng Vân được chính đơn vị này tự đi tuyên truyền quảng bá mới có đông khán giả.
Miễn phí không đúng đối tượng
Để hạn chế tình trạng thiếu khán giả, ban tổ chức đã phát 1.000 vé mời xem tất cả các buổi diễn, 600 vé xem buổi khai mạc, 600 vé dự buổi bế mạc và cho tuyên truyền rộng rãi để thu hút công chúng. Nói là vậy nhưng khán giả Huế không mấy người biết đến liên hoan này.
NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận, sau khi tham dự 2 vở diễn về đến TPHCM, cho biết: “Khán giả ở Huế cũng thích kịch nói nhưng họ nghe quảng cáo vé miễn phí, cứ ngỡ liên hoan kịch không có gì hấp dẫn nên chẳng quan tâm. Đến khi các đơn vị sân khấu xã hội hóa có mặt tại Huế, thấy diễn viên đi dạo trên các tuyến đường trung tâm, khán giả hâm mộ chạy theo hỏi thăm, thế là truyền miệng nhau để đến với các vở diễn có diễn viên quen thuộc. Điều này cho thấy dù là liên hoan không bán vé nhưng yếu tố quảng bá quan trọng lắm. Khi đã tốn tiền tỉ cho liên hoan thì việc đầu tư thêm khâu quảng bá sẽ không thừa”.
Một nghịch lý ở các kỳ liên hoan, hội diễn là vé mời miễn phí thường được cấp phát cho những đối tượng không có nhu cầu đi xem, trong khi công chúng có nhu cầu lại không có vé. Vì vậy, khán giả ở những kỳ liên hoan, hội diễn vẫn không thể giúp người trong nghề định hướng mục tiêu dựng vở bán vé vì ở đó họ không đo được nhu cầu của người xem yêu sân khấu kịch thật sự.
Ai cần đến liên hoan?
NSƯT Đỗ Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (đơn vị tổ chức liên hoan), cho biết có 2 lý do mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn chọn cố đô Huế là nơi diễn ra liên hoan theo chủ trương 3 năm một lần: “Liên hoan năm nay là hoạt động nghệ thuật nằm trong khuôn khổ chương trình Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012. Việc tổ chức liên hoan kịch tại Huế sẽ thu hút nguồn du khách đến với cố đô. Bên cạnh đó, vẫn biết Hà Nội và TPHCM là nơi mà kịch nói hiện đang hoạt động tốt nhưng vì muốn đẩy mạnh loại hình nghệ thuật này tại khu vực miền Trung nên cục chủ trương đưa liên hoan kịch đến với công chúng tại Huế”.
Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết: “Mùa hội diễn nào kết thúc cũng đem ra mổ xẻ vấn đề này bởi quá nhiều hệ lụy, quá nhiều bất cập cứ diễn ra một cách đắng lòng. Quan điểm cho rằng TPHCM và Hà Nội thừa mứa những hoạt động giải trí nên phải phân bổ các liên hoan, hội diễn rộng khắp các địa phương có phần nào không hợp lý. Vì trên hết, liên hoan, hội diễn phải được xác định là những ngày hội của người trong nghề, nơi học hỏi, trao đổi, tranh luận về nghề, về những sáng tạo, tìm tòi, những trăn trở làm sao để vở diễn có chất lượng, đo được sức hút qua công chúng. Điều cốt lõi này đã bị tước bỏ để “mặt trận hóa” nhu cầu bằng cách phân bổ đều khắp các địa phương. Như vậy ai cần liên hoan? Chính là những nhà lãnh đạo, quản lý của ngành sân khấu cần. Họ làm theo suy nghĩ của mình hơn là làm theo nhu cầu có thực của công chúng, của đời sống xã hội!”. Điều này cũng đã lý giải vì sao liên hoan kịch lần này rơi vào tình trạng đìu hiu, khán giả thưa vắng, khán phòng nguội lạnh.
Theo tác giả Lê Duy Hạnh, chính tư duy xa rời thực tiễn của những nhà lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã khiến những liên hoan rơi vào hoang phí. |
Nhiều thứ cần rút kinh nghiệm NSND Hồng Vân cho biết liên hoan lần trước tổ chức ở TPHCM, anh em nghệ sĩ rất hào hứng tham gia, lần này tổ chức ở Huế, về mặt tài chính và tinh thần đều cần phải được ban tổ chức liên hoan rút kinh nghiệm. Hà Nội hoặc TPHCM là 2 trung tâm phát triển mạnh về kịch nói nên sân khấu có sẵn, hệ thống âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, cảnh trí có thể đáp ứng nhu cầu thể nghiệm mang tính sáng tạo, đột phá. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các đoàn kịch tham dự liên hoan sẽ khá hơn vì ban tổ chức không phải đổ nhiều vào chi phí đầu tư sân khấu. Hơn nữa, không thể nói là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật khi các đoàn đều khó khăn về kinh phí. |
Kỳ tới: Học hỏi được gì?
Bình luận (0)