Nguyễn Nho Pháp chỉ còn biết tựa cửa trên đôi nạng gỗ và ao ước được lành lặn để đi học. Ảnh: T.A
Năm học 12 này, Nguyễn Nho Pháp (trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn) dự tính thi vào trường Công an nhân dân, để trở thành một quân nhân như ba em. Pháp còn tính thêm kế hoạch chơi thể thao trong suốt mùa hè nhằm tăng cường thể lực cho lứa tuổi 17. Nhưng mọi dự định đều chấm dứt khi Pháp bị tai nạn xe và bị cưa mất chân phải.
Tắc trách?
Thương con, một phần cũng không thể hiểu rõ nguyên nhân chỉ vì một tai nạn được đánh giá là không nguy kịch, con trai lại bị cưa mất một chân, ông Nguyễn Nho Cương (ba của Pháp) gửi đơn khiếu nại. Ông kể: “Con tôi bị tai nạn xe (tự té xuống ruộng khi đi xe máy) vào chiều thứ bảy, ngày 19-5. Tôi đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Quảng Nam để cấp cứu.
Sau phần sơ cứu như tiêm thuốc, truyền dịch, lấy máu xét nghiệm, cố định phần chân gãy, đưa đi bó bột, tôi nhận được kết quả là nhập viện khoa ngoại điều trị, hẹn sáng thứ hai bác sĩ hội chẩn xử lý.
Trong suốt 2 ngày nằm viện, gia đình tôi không biết mặt bác sĩ trực và không thấy bác sĩ trực khoa đến thăm bệnh nhân. Khi toàn bộ phần chân phải của cháu Pháp đã phù nề to, máu dâng bầm đen, đau nhức và các ngón chân không còn cảm giác, gia đình tôi báo cáo tình trạng của cháu nhưng các cô y tá và thực tập sinh cũng chỉ đưa thuốc giảm đau.
Các bác sĩ quen biết đang làm việc tại bệnh viện này khi được nhờ vả cũng trấn an gia đình yên tâm sau khi đã xem phim chụp, hứa hẹn sẽ hội chẩn sớm. Đến sáng thứ hai như lịch hẹn, các bác sĩ khoa ngoại thông báo chuẩn bị máu để mổ, nhưng đến 11 giờ cùng ngày, bác sĩ thông báo với gia đình chuyển Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng”.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Pháp được mổ cấp cứu, nhưng do Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam để quá lâu, hơn 45 tiếng đồng hồ nên phần chân dưới của chân phải đã bị hoại tử. Theo chẩn đoán của bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Pháp bị dập nát động mạch nên máu không xuống để nuôi phần chân này. Kíp mổ quyết định tháo khớp gối để giữ độ an toàn cho phần thân thể còn lại của bệnh nhân.
Trước sự việc trên, ông Cương rất bức xúc vì thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam trong thời gian con trai nằm viện. Theo ông Cương, sự tắc trách và thờ ơ trước người bệnh đã dẫn đến hậu quả Pháp phải bị cưa một chân. Nếu như thông tin về tình trạng chân em bị phù nề to, máu bầm đen và bàn chân không có cảm giác được chuyển đến bác sĩ nhanh hơn thì mọi sự đã khác.
Làm sao trả lại công bằng?
Trả lời chính thức đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Nho Cương, bác sĩ Võ Đôn - Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam cho biết bệnh viện đã thành lập tổ công tác để kiểm tra toàn bộ phiên trực theo như đơn thư trình bày; họp toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ của các phiên trực liên quan, trích lục hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Nguyễn Nho Pháp từ Bệnh viện Đà Nẵng…
Bác sĩ Võ Đôn khẳng định: “Đây là một trường hợp bệnh viện có thể giải quyết được, vì lý do đó bác sĩ mới cho y lệnh nhập viện. Tuy nhiên bệnh diễn biến phức tạp, nhanh và tiên lượng chưa tốt, việc theo dõi chưa chu đáo kịp thời nên không phát hiện những dấu hiệu phức tạp của bệnh nhân. Từ các yếu tố trên nên việc chuyển bệnh nhân, xử lý còn chậm”.
Cũng theo văn bản phản hồi của Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam, Ban giám đốc đã yêu cầu các y, bác sĩ khoa ngoại trong phiên trực làm tường trình kiểm điểm, và sẽ có các hình thức kỷ luật thích đáng với cán bộ viên chức của phiên trực về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân, rút kinh nghiệm việc thiếu kiểm tra, nhắc nhở của phiên trực đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho bệnh nhân.
Giám đốc bệnh viện còn khẳng định thêm, bác sĩ trực lúc nào cũng có, và mọi thông tin từ bệnh nhân sẽ được y tá, điều dưỡng báo lên. Trong trường hợp của bệnh nhân Pháp, bác sĩ ca trực đó không hề nghe báo cáo về trình trạng chuyển biến bệnh.
Từ những kết luận ở hai vấn đề chuyên môn và cả tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ, phía Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam đã thừa nhận phần lỗi của bệnh viện về hậu quả mất một chân của bệnh nhân Nguyễn Nho Pháp. Ông Võ Đôn mong muốn được cùng gia đình chia sẻ và tìm cách giải quyết tốt nhất cho em Pháp và sẽ lo toàn bộ chi phí.
Tuy nhiên, từ phía gia đình, ông Cương khẳng định: “Con tôi đã vĩnh viễn mất chân trở thành tật nguyền, trả lại sự công bằng thì khó, gia đình sẽ làm được tất cả những gì tốt nhất cho cháu nhưng với thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ liệu rằng còn bao nhiêu trường hợp rủi ro khác như thế này? Tôi mong mọi trách nhiệm đúng sai được làm rõ, nghiêm túc xử lý và công khai trên công luận”.
Ông Cương cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với cách trả lời của bệnh viện rằng “sẽ nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và quán triệt đội ngũ, y bác sĩ tốt hơn trong thời gian đến”.
Bình luận (0)