Con đường quốc phòng 74 nối từ huyện Nam Đông đến huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế dài 30 km đang được thi công. Rừng tự nhiên ven tuyến đường này bị khai thác, đốt phá vô tội vạ để trồng lúa, ngô, sắn; nhiều nơi chỉ còn bãi đất trống.
Cây rừng ngổn ngang
Tại km số 5, một cây gỗ lớn được cưa thành khúc nằm ven đường. Xung quanh nơi đây, hàng chục hecta rừng đã bị cạo trọc. Nhiều thân cây có đường kính 1-2 m mới bị chặt hạ, còn nguyên dấu cưa máy và nhựa tươi đang tứa ra. Khu vực rừng ở Cổng Trời cũng bị phá hoại không thương tiếc. Gỗ được phân thành khúc, thành tấm lớn nằm la liệt bên cạnh những gốc cây vừa bị cưa.
Dọc đường 74 đi sâu vào trong rừng, tiếng máy cưa xoèn xoẹt vang động khắp nơi. Hàng chục chiếc xe máy dựng bên đường là của những người đi cưa gỗ. Theo lối mòn từ khu vực này, chúng tôi ngược dốc đi xuống. Tiếng máy cưa càng rõ hơn, xen lẫn tiếng cây rừng ngã ầm ào. Khi chúng tôi đến gần khu vực rừng ở khe La Ma thì bị 2 người cầm rìu và cưa máy chặn hỏi.
Gỗ bị đốn hạ ngổn ngang gần đường 74. Ảnh: NHẬT VÂN
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ lậu được trâu kéo ra khỏi rừng từ các con đường mòn hoặc được kết bè thả xuôi xuống sông, suối rồi đưa về các hộ gia đình để hợp thức hóa thành gỗ nhà. Từ đây, gỗ được thu gom lại, vận chuyển về thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông hoặc chở đến bán ở các xưởng cưa. Sau đó, gỗ được vận chuyển theo Tỉnh lộ 14B xuống Quốc lộ 1A rồi tỏa đi các hướng tiêu thụ.
Giữa tháng 3-2012, ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra việc quản lý, bảo vệ rừng tại công trình đường 74. Đoàn đã ghi nhận tình trạng vi phạm công tác bảo vệ rừng, làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trong khu vực sau khi công trình khởi công.
Ông Lê Trường Lưu đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng chủ đầu tư là Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế và các đơn vị thi công tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện dự án, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng thi công công trình để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Truy quét, xử lý mạnh tay
Từ năm 2008 đến 2012, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông khai thác gần 600 m3 gỗ để xóa nhà tạm. Ăn theo việc này, tình trạng phá rừng ở Hương Sơn diễn ra đáng báo động, năm sau tăng hơn năm trước. Điều đáng nói là khi xử lý tang vật, tất cả các vụ đều tiến hành tiêu hủy tại rừng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ.
Ông Hỗ Sỹ Đẹt, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, cho biết hiện có 40 hộ phá rừng và lấn chiếm 27,7 ha đất. Trong đó, ông Hồ Xuân Din và Hồ Xuân Hàn (con trai và cháu của ông Hồ Xuân Di, nguyên bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn) bị phạt 25 triệu đồng nhưng chưa nộp. Theo ông Đẹt, năm 2010, ông Di không trúng cử nhiệm kỳ mới. Bất mãn, ông vận động con cháu phá rừng, chiếm đất. Nhiều người dân cho rằng cán bộ phá rừng được nên cũng đua nhau đi phá rừng.
Ông Mai Văn Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông, cho rằng do người dân khó khăn, nghèo đói, thiếu đất sản xuất nên phải đốt phá rừng để làm rẫy, bám vào rừng để kiếm ăn. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động bà con. Hạt và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông sẽ tiếp tục tăng cường truy quét, xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm.
Chở gỗ lậu bị xe lật đè chết Năm 2010, ông T.X.Ph, một lâm tặc khét tiếng ở xã Hương Sơn, điều khiển xe công nông chở gỗ lậu từ rừng Nam Đông ra thì xe lật, vợ ông bị đè chết. Dù vậy, sau tai nạn, ông Ph. vẫn không từ bỏ “nghề” lâm tặc mà càng làm ăn lớn hơn. Từ năm 2011, ông mua hẳn xe tải để khai thác, vận chuyển gỗ lậu… |
Bình luận (0)